Gần nhà anh Thông là nhà bà Nguyễn Thị Lệ Vân, chồng chết, sống với con gái Nguyễn Thị Vân Hà 25 tuổi nhỏ như đứa bé 12 tuổi vì di chứng chất độc da cam. Bà bị bệnh tim, nhà bị sập hoàn toàn nay đang phải ở nhờ.
Kế nhà bà Vân là nhà anh Lê Văn Thống, bộ đội phục viên. Nhà sập, con anh Thống đến xã nhận được 18 kg gạo cứu trợ, anh Thống bắt con vác trả. Do qui định của chính quyền, mỗi nhân khẩu được cứu đói 6 kg gạo, nhà anh Thống 5 người mà chỉ có 18 kg gạo nên anh không nhận. Nhà sập anh cũng chưa được hỗ trợ gì cả. Ở xã Phước Hiệp không chỉ có 3 trường hợp nêu trên.
Ở xã Định Thủy (Mỏ Cày), ông Đoàn Văn Rê 77 tuổi, là cán bộ kháng chiến 2 thời kỳ, cựu tù chính trị Côn Đảo, bị mất sức 55% được hưởng chính sách như thương binh. Ông Rê cũng bị sập nhà và nay đang sống trong căn chòi tạm.
Anh Nguyễn Văn Vẫn, ở gần nhà ông Rê, nguyên là chiến sĩ công an huyện Mỏ Cày (trước và sau năm 1975) đã phục viên, nghèo quá nên đi nuôi cá mướn tại TP Cần Thơ.
Nhà sập nhưng không được cứu trợ, vì “nhà anh trước khi bị sập trị giá không tới 5 triệu đồng!” như giải thích của chính quyền địa phương. Cũng ở xã Định Thủy, anh Thái thuộc diện chính sách nhà sập không được trợ giúp, vợ anh khiếu nại xã Định Thủy mới trợ giúp 2 triệu đồng.
Trong lúc đó, anh Phạm Văn Hiền là tổ trưởng tổ 3 ấp Tân Phú 2, xã Phước Hiệp (Mỏ Cày), nhà bị tốc mái nhẹ thì được nhận mì gói, dầu ăn, gạo và tiền.
Nhà anh Đặng Văn Thông và Nguyễn Văn Hội liền ranh bị sập thì không được anh Hiền đề nghị về xã cứu trợ. Tiền phong đưa thông tin này tới ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, ông Tranh nói rất bất ngờ và bảo do anh Hiền không báo cáo lên.
Một số nơi trong tỉnh Bến Tre lại giúp bà con bị thiên tai khá tốt. Xã Hưng Phong (Giồng Trôm): hộ anh Nguyễn Văn Ký (bộ đội xuất ngũ) nhà sập vách được xã cứu trợ 1,5 triệu đồng. Hầu hết hộ dân trong xã này có nhà sập, tốc mái nặng nhẹ đều được cứu trợ gạo hoặc tiền, mì gói, quần áo, mùng mền… Vì vậy bà con ở đây rất ấm lòng.