Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị XK rau quả tháng 5/2021 ước đạt 400 triệu USD, đưa tổng giá trị XK rau quả 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc vẫn là thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 63,2% thị phần trong 4 tháng đầu năm nay, với giá trị đạt 866 triệu USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020). Tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 57,4 triệu USD (chiếm 4,2%), tăng 16,6%; Hàn Quốc đạt 50,4 triệu USD (chiếm 3,7%), giảm 7,7%; Thái Lan đạt 46,8 triệu USD (chiếm 3,4%), giảm 19,1%; Nhật Bản đạt 46,7 triệu USD (chiếm 3,4%), tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặc hàng rau quả XK nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm nay là thanh long đạt 455,1 triệu USD (chiếm 33,2% tổng XK rau quả), tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 180,1 triệu USD (chiếm 13,1%), tăng 17,1%; chuối đạt 128,3 triệu USD (chiếm 9,4%), tăng 53,0%; dừa đạt 85,2 triệu USD (chiếm 6,2%), tăng 25,0%; mít đạt 84,8 triệu USD (chiếm 6,2%), tăng 44,9%...
Ở chiều ngược lại, tháng 5/2021, Việt Nam nhập khẩu 120 triệu USD mặt hàng rau quả, đưa tổng nhập khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2021 đạt 577 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc, Mỹ và Myanmar là 3 thị trường cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 54,4%; Myanma tăng 34,6%; Mỹ giảm 0,5%.
Tại thị trường trong nước, giá trái cây ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm. Dâu, mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, cam xoàn, xoài… hiện đã giảm từ 5.000-30.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Nguyên nhân do dịch bệnh ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, lượng khách du lịch và hoạt động XK.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, do ảnh hưởng của dịch bệnh, XK mặt hàng rau quả trong tháng tới vẫn sẽ gặp một số thách thức liên quan đến dịch vụ vận chuyển, các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và gia tăng hàng rào kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc...
Tuy nhiên, nhiều loại trái cây đặc sản và cũng là các mặt hàng XK chủ lực như sầu riêng, vải, xoài, thanh long... đang vào chính vụ, nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường thế giới phục hồi sau đại dịch; cộng với hiệu quả của các FTA, các chương trình xúc tiến thương mại và nỗ lực quảng bá, đẩy mạnh XK rau quả của các bộ ngành, địa phương, nhất là các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… đã mang tới hiệu quả cao cho các hoạt động của thị trường, giải quyết vướng mắc cho bà con nông dân…