Nhiều hệ lụy

TP - Từ cuối 2005, hồ chứa Nước Trong - công trình thủy lợi kết hợp thủy điện lớn nhất ở tỉnh Quảng Ngãi khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Sau 7 năm, hợp phần tái định cư cho người dân vùng lòng hồ vẫn còn dang dở, cuộc sống người dân khốn đốn, kéo theo nhiều hệ lụy buồn
Chưa có tiền đền bù, nhưng hầu hết các hộ tái định cư lên thôn Trà Veo (Trà Xinh) đều sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh.

7 năm chờ tái định cư

Dự án hồ chứa Nước Trong dự kiến hoàn thành trong năm 2012, đảm bảo cung cấp nước tưới cho 52.000ha đất nông nghiệp; bổ sung nguồn nước cho thủy lợi Thạch Nham; cấp nước cho Khu kinh tế Dung Quất, thành phố Quảng Ngãi, khu công nghiệp Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và các dự án nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng.

Hơn 500 hộ dân của 2 huyện Tây Trà và Sơn Hà phải di dời nhường đất cho lòng hồ. Vậy nhưng sau 7 năm, hơn 400 hộ dân của huyện Tây Trà vẫn chưa ổn định, chưa được tái định cư (TĐC), sống khốn đốn.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thống nhất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Trước đó, tỉnh đã có Tờ trình gửi Thủ tướng về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 372,7 tỷ đồng lên 654 tỷ đồng do sự thay đổi cơ chế chính sách của Chính phủ, quy mô dự án không thay đổi.

Ngày 30-7 vừa qua, UB Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ngãi có kết luận về những sai phạm trong việc lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án hợp phần TĐC hồ chứa nước Nước Trong.

Theo đó, yêu cầu tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của điều lệ Đảng đối với Đảng ủy Sở NN&PTNT.

Các cá nhân gồm: ông Trương Ngọc Nhi, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên trưởng Ban chỉ đạo dự án, ông Trương Quang Việt, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Cao Văn Liệp, Bí thư chi bộ, Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) bị đề nghị xử lý kỷ luật sai phạm trong việc điều hành, quản lý thực hiện dự án hồ Nước Trong gây bức xúc trong nhân dân.

Việc sai phạm của các cá nhân dẫn đến việc “không giải ngân được nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2009-2011 nên Trung ương chỉ đạo ngừng thanh toán, trả về Trung ương 116,288 tỷ đồng, điều chuyển vốn sang công trình, dự án khác hơn 94 tỷ đồng, đến khi dự án triển khai thi công thì không có vốn chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và ứng cho nhà thầu xây dựng”.

Ông Hoàng Anh Ngọc, Phó chủ tịch huyện Tây Trà, bức xúc: “Từ năm 1999 dự án bắt đầu khảo sát, khi dự án vào, nhân dân chấp hành tốt, sẵn sàng nhường đất vì lợi ích chung. Nhưng đến nay dân Tây Trà vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Công trình TĐC chậm trễ, dân bức xúc, ra cản trở không cho thi công”.

BQLDA đã hứa với địa phương và người dân 31–8 này sẽ xong việc xây dựng TĐC để bàn giao, tuy nhiên, đến nay công việc vẫn dang dở.

“BQL dự án đã từng hứa hết tháng 6-2012 trả tiền đền bù cho dân nhưng đến nay chưa trả đồng nào. Dân chờ quá lâu, nên họ tự tái định cư, huyện đau đầu”, ông Ngọc nói.

Trong năm 2011 các hộ dân thuộc vùng di dời TĐC được hỗ trợ 3 tháng lương thực vì thiếu đất sản xuất. Năm nay, huyện đang kêu gọi BQLDA hỗ trợ tiếp cho dân.

Huyện cũng có kế hoạch khai hoang thêm 50ha đất để người dân có thêm đất sản xuất. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn đang nằm trên giấy tờ và chờ BQL dự án đồng ý hỗ trợ giúp huyện.

Ép dân mua chịu

Các xã Trà Thọ, Trà Xinh, Trà Phong nơi có đông dân chủ yếu là đồng bào Kor, Hre, Cadong bị ảnh hưởng từ dự án này. Cuộc sống vốn đã khốn khó, chạy ăn từng bữa nay lại càng khó khăn hơn vì phải tự tái định cư, thiếu đất sản xuất.

Công trình tái định cư tại Trà Xinh còn ngổn ngang sau nhiều năm thi công. Ảnh: Ng.Th.

Con đường đất vào thôn Trà Veo, xã Trà Xinh mới mở gồ ghề. Dọc hai bên đường hàng chục nhà dân xập xệ được dựng tạm bợ. Tất thảy đều từ vùng lòng hồ tự di dời lên chờ tiền đền bù và khu TĐC hoàn thành.

Ông Đinh Văn Râu, một hộ dân, cho biết: “Chỗ ở cũ nước ngập rồi, lên đây ở tạm. Giờ không có ruộng nên cả nhà ai thuê gì thì làm nấy”.

Ở nơi cũ, gia đình ông Râu và nhiều hộ khác trồng lúa, ngô, sắn đủ ăn quanh năm. Hỏi ông tiền đền bù được bao nhiêu, ông Râu lắc đầu: “Không biết”. Ở Trà Xinh có 27 hộ gia đình như ông Râu thuộc diện tự ý tái định cư.

Chưa có tiền đền bù, vậy nhưng nhà nào cũng có tivi, xe máy, tủ lạnh, thậm chí có người còn mua cả ô tô. Một giáo viên dạy học ở Trà Xinh, cho biết: “Hầu hết dân vùng lòng hồ lên đây đều được "con buôn" dưới xuôi lên săn đón. Nhà nào nhận bao nhiêu tiền đền bù họ nắm hết. Họ dụ dỗ dân làng mua đủ thứ từ xoong nồi, bếp ga, tivi, tủ lạnh, xe máy rồi viết giấy tay ghi nợ. Dân thật thà nên nghe theo. Có nhiều nhà mua sắm mấy chục triệu đồng. Họ chờ có tiền đền bù là sẽ lên siết nợ ngay”.

Ông Trần Minh Lâm, Phó chủ tịch huyện Tây Trà, lắc đầu: “Chuyện người dân TĐC bị một số người dưới xuôi lên đây dụ dỗ mua sắm là có thật. Hôm rồi, chúng tôi lên xã Trà Thọ mới ngã ngửa, có 2 trường hợp người dân mua cả ô tô. Một chiếc mua 80 triệu để rồi bán lại được 7 triệu, một chiếc nữa mua trên trăm triệu về chỉ để không. Bà con dân trí còn thấp, chính quyền hết sức khuyên nhủ, nhưng suy nghĩ của người dân vẫn còn khác xa suy nghĩ của mình”.

Theo Báo giấy