Cơn mưa lớn chiều nay đã làm ngập nặng nhiều tuyến đường nội ô, gây trở ngại cho người tham gia giao thông.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, trên địa bàn quận Bình Thạnh, mưa đã làm ngập nặng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ… Nhiều đoạn nước ngập sâu gần nửa mét.
Sau gần 1 giờ kể từ khi dứt mưa, trên đường Điện Biên Phủ, làn xe 2-3 bánh hướng từ quận Bình Thạnh về TP Thủ Đức vẫn bị ngập sâu một đoạn dài hơn 100 m. Nhiều căn nhà mặt tiền đường Điện Biên Phủ bị nước tràn vào.
Các loại xe 2 bánh phải lưu thông trên làn đường dành cho ô tô để tránh bị chết máy. Giao thông qua khu vực trên trở nên hỗn loạn. Một số người dân tháo các nắp cống bằng thép để nước trên đường rút nhanh hơn.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dữ liệu từ ảnh mây vệ tinh và radar thời tiết cho thấy một vùng mây đối lưu phát triển mạnh ở khu vực huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), có hướng di chuyển về phía các quận, huyện ở nam TP.HCM. Mưa bắt đầu ở các quận, huyện phía bắc và lan rộng ra các khu vực như quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận 3 và TP Thủ Đức.
Trong 3 giờ tới, mây đối lưu tiếp tục phát triển, gây mưa rào và dông cho các khu vực kể trên. Sau đó, mây di chuyển theo hướng Đông - Tây, gây mưa dông cho các quận, huyện lân cận khác ở phía đông và phía nam thành phố. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, từ nay đến cuối tháng 4, thời tiết TP.HCM vẫn trong giai đoạn chuyển mùa. Trước khi xuất hiện mưa, ngày chủ yếu có nắng oi bức. Nắng diễn ra từ 3 đến 4 ngày sau đó thì xuất hiện mưa.
Năm nay, mùa mưa được dự báo sẽ đến từ ngày 5 đến 10/5. Miền Nam có mưa sớm hơn so với miền Bắc. Riêng miền Trung, dự báo đến cuối tháng 9 mới có mưa.
Trước đó, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 299/QĐ-UBND ngày 25/1/2021 phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030.
Theo đó, trong giai đoạn 2020 - 2025, về thoát nước mưa và chống ngập úng đô thị, 80% dân số đô thị TPHCM sẽ được hưởng dịch vụ thoát nước. Về thoát nước thải và xử lý nước thải, 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
TPHCM nghiên cứu, cập nhật và hoạch định cốt nền cho từng khu vực, từng quận huyện… đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng chung, phù hợp quy hoạch thoát nước. Lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa bao gồm xác định hệ thống thoát nước chính như kênh rạch, hệ thống cống cấp 1, 2… đảm bảo yêu cầu thoát nước khi mưa cũng như ứng phó với các kịch bản của biến đối khí hậu, mực nước biển dâng.
Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các dự án, hoàn thiện quy hoạch hệ thống thoát nước trong khu vực 581,52km2; đồng thời xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực ngoại vi mở rộng quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, TP Thủ Đức, Quận 7.
Về kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030, trong giai đoạn 2020 - 2025, TPHCM giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 – 2020. TPHCM tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm rộng hơn 100 km2 và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại.
Đặc biệt, thành phố sẽ dành nguồn lực thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, nhất là khu vực phía Đông TPHCM và thực hiện nạo vét các trụ tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm TPHCM về phía Nam.