Nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình): Sẽ đổ 2,5 triệu m3 đất cát thải ra biển

TP - Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, Bộ TN&MT, cũng như UBND tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận phương án nhấn chìm 2,5 triệu m3 đất, cát thải ra vùng biển Hòn La, nhằm phục vụ dự án nhiệt điện Quảng Trạch I.
Khu vực biển Hòn La có hệ sinh thái đa dạng và nhạy cảm.

Theo đó, tại quyết định số 3321, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án cơ sở hạ tầng thuộc trung tâm điện lực Quảng Trạch, do Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Võ Tuấn Nhân ký: Cho phép nhận chìm vật chất nạo vét trong quá trình thi công xây dựng, vận hành dự án vào đúng vị trí được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và cấp phép. Đảm bảo không có tác động xấu tới hệ sinh thái, đời sống, sinh kế của cư dân trong khu vực dự án và khu vực nhận chìm,

Phía UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn số 1664, thống nhất giới thiệu vị trí nhận chìm đất cát nạo vét cảng nhập than tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch. Bên cạnh đó, Sở TN&MT Quảng Bình cũng đã có công văn 870 chấp thuận việc nhấn chìm 2,5 triệu m3 đất, cát thải của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch: “Về vị trí quy hoạch (nhận chìm) thì BQLDA nhiệt điện 2 làm việc trực tiếp với Cảng vụ hàng hải  Quảng Bình nhưng phải đảm bảo không nằm trong phạm vi 3 hải lý vì khu vực này chủ yếu là rặng san hô và là khu vực phát triển hệ sinh thái ven biển” - công văn 870 Sở TNMT nêu.

Vùng biển được giới thiệu nhận chìm 2,5 triệu m3 đất, cát thải khi nạo vét phục vụ xây dựng cảng nhập than nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I được giới hạn trong vòng tròn bán kính 1 hải lý, tâm đường tròn cách phao số 0 Hòn La 4 hải lý về phía tây nam, cách đảo Hòn La 3,5 hải lý về phía tây, cách Mũi Độc 5 hải lý về phía tây bắc, cách đảo Hòn Gió 5 hải lý về phía đông nam, diện tích 10km, độ sâu tự nhiên trung bình 22-25m.

Cảng vụ Quảng Bình cho rằng, việc nhận chìm vật liệu nạo vét với khối lượng 2,5 triệu m3 không ảnh hưởng đến tuyến hàng hải của tàu thuyền. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường lo lắng, việc nhận chìm một khối lượng đất, cát khổng lồ xuống lòng biển Hòn La sẽ gây ra thảm họa môi trường cục bộ, bởi đáy biển Hòn La có một hệ sinh thái đa dạng và nhạy cảm, đặc biệt là hệ sinh thái san hô, có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.