Nhạt nhẽo phim hình sự

Sau "Luật giang hồ", bộ phim hình sự tiếp theo - "Truy tìm dấu vết", đang được phát sóng trên Đài truyền hình TP.HCM (kênh HTV7) - cũng gây “ức chế” không kém cho người xem...

Cảnh trong phim "Luật giang hồ"

Những cảnh sát hình sự lẫn bọn giang hồ trong phim đều ngây ngô. Những pha hành động biến thành các màn biểu diễn hời hợt... Tất cả đã khiến người xem khó chịu.

Nếu Luật giang hồ (đạo diễn Bùi Cường) gây “ức chế dài hạn” vì suốt 50 tập phim là cuộc “hành hạ” cảnh sát của một gã trùm xã hội đen, là sự trêu ngươi với những trò phá phách thật buồn cười của bọn đàn em với nhóm trinh sát, làm “ngứa ngáy” người xem khi đã bắt được tên cầm đầu nhưng lại để trốn thoát dễ như chơi; thì Truy tìm dấu vết (đạo diễn Xuân Cường) lại gây “bức xúc ngắt quãng”, vì mỗi tập phim là một cuộc phá án nhanh gọn đến vô lý bất ngờ.

Một thương nhân trên đường lái xe về Cty, bị hai tên giang hồ dàn cảnh tông vào, trong lúc xuống xe (cùng cô thư ký) giải quyết vụ việc với một tên, tên kia mở cửa xe lấy chiếc cặp rồi cả hai vọt mất trong sự ngẩn ngơ của người mất của!

Trước đội bảo vệ (họ tìm đến để nhờ điều tra, tìm lại chiếc cặp), khi được yêu cầu cung cấp đặc điểm nhận dạng, cô thư ký và thương nhân ấy “quá siêu” khi phác phảo được vết xăm (hình con gì, đuôi vẫy lên hay cụp xuống...) của tên ngồi sau (?)

Và sự vào cuộc, tìm ra tung tích nhóm giang hồ này càng... siêu hơn nữa khi chỉ qua đôi lần hỏi han, họp bàn tròn suy đoán. Kết cục, nhóm giang hồ không mở được khóa cặp (hết sức phi lý), rồi giành nhau chiếc cặp, đội bảo vệ phối hợp với công an tìm tận ổ, trong lúc bọn chúng đang xô xát (có cầm súng) thì công an ập vào, móc súng ra bắn ngay vào trán, một tên chết tại chỗ, tên kia bị bắt.

Nhiều tập sau đó là những tình huống khó tin, nói đúng hơn là rất nhảm. Chẳng hạn ở một vũ trường, hai tên giang hồ liếc thấy sợi dây chuyền của cô gái, định giật liền nhưng không được, nên theo về khách sạn (nơi cô gái ở) và giật ngay trước cổng. Sau đó chúng lại vào vũ trường chơi tiếp, trong lúc mang sợi dây ra tung tẩy sung sướng (chưa thấy giang hồ nào “bờm” như vậy), thì người của đội bảo vệ xông vào, tích tắc lấy lại được sợi dây.

Hoặc một gã giang hồ vặt sau khi cướp xe, đánh đập, lấy hết giấy tờ của một anh Việt kiều (không cần biết anh ta chết chưa), lấy cái mác đó đi lừa tình một tiểu thư nhà giàu. Cha cô gái nghi ngờ anh ta là Việt kiều dỏm ngay lần gặp đầu tiên, nhờ bảo vệ điều tra.

Trong buổi tiệc của gia đình, Việt kiều dỏm bị lật tẩy dễ dàng, khi đội bảo vệ cho người dựng cảnh - đập phá xe của anh ta với lý do đậu bừa bãi, buộc anh ta đưa passport ra, nhân viên bảo vệ thấy tên trùng với người thân của mình - chính là anh Việt kiều thật... Sau buổi tiệc, đội bảo vệ bám theo gã Việt kiều dỏm đến chỗ vắng, rồi mới tóm hắn (trong khi tại buổi tiệc đã có thể ra tay vì nhân chứng - Việt kiều thật được tìm thấy, vật chứng - passport đúng tên khớp họ)...

Một Cty bảo vệ, với giám đốc được giới thiệu là đại úy bộ đội phục viên, phó giám đốc là thiếu tá công an về hưu, rồi nhân viên đều là những tay trinh sát có kinh nghiệm, lại được hỗ trợ bởi cơ quan công an, vậy nhưng mỗi một vụ truy tìm dấu vết lại diễn ra và kết thúc hết sức nhẹ nhàng, êm ái - do “dấu vết” rất giản dị bất ngờ!

Có thể đổ lỗi một phần vì mỗi tập phim (45 phút, lại mất gần 15 phút quảng cáo) quá ngắn, hoặc chuyện muôn thuở của người làm phim là thiếu kinh phí, nên khó để xây dựng cho câu chuyện “có bề dày” và đủ hấp dẫn, thuyết phục.

Nhưng nếu không đảm bảo được yếu tố khốc liệt, tính hành động hay ít nhất chỉ cần tạo được sự hợp-lý-bình-thường của một tình huống, thì phải tính lại kết cấu từng tập. Chứ cái kiểu làm cho nhanh-gọn để rồi ngợi ca sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng trinh thám và công an như mong muốn của phim thì chỉ gây tác dụng ngược.

Đã từng có những Cảnh sát hình sự, Chạy án... tạo được hiệu ứng tốt (dù chưa tuyệt đối) với người xem về thể loại phim này, thế nên những vụ án trong Luật giang hồ, Truy tìm dấu vết khiến khán giả (cả lực lượng cảnh sát, công an hay... bọn giang hồ) có cảm giác mình bị xem thường quá!

Theo Thiên Anh
Thanh niên