Tìm “tỷ lệ vàng” cho mỗi loại bút
“Vâng, tôi đang ở xưởng. Hôm nay là ngày gia công bút. Mời anh qua chơi”. Theo lời mời của Đào Huy Hoàng, tôi đến thăm xưởng chế tác bút viết calligraphy (thư pháp) của anh, nằm sâu bên trong một con ngõ trên phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội).
Vào xưởng như bước vào thế giới khác. Sát các vách tường là những chiếc máy tiện, máy khoan, máy cưa, máy chà nhám, được đặt ngay ngắn trên bàn gỗ. Phía xa là những kệ sắt đựng hàng trăm thanh gỗ đủ các loại như gỗ trắc, gỗ bằng lăng, gỗ mun, gỗ muồng đen… Mùi gỗ thơm nức cả căn phòng.
Bên cạnh là hai ngăn kéo đựng sừng bò Châu Phi và sừng hươu Sambar Ấn Độ - một trong những loại nguyên liệu xa xỉ nhất. Những dòng thư pháp chữ La-tinh bay lượn trên bốn bức tường, nét chữ mềm mại như sợi tóc mai của thiếu nữ.
“Tôi hầu như không diễn giải về tính thẩm mỹ của bút. Khi cố gắng diễn giải, dù vô tình hay hữu ý, tác giả đã “ốp” cảm quan nghệ thuật của mình lên người khác. Tôi không thích sự áp đặt đó. Vậy nên tôi thường chỉ giải thích về cách chế tác, trang trí và công năng của bút… Còn đẹp hay xấu, hãy để cho người xem tự cảm nhận”. Anh Hoàng chia sẻ.
Trong giới viết và chế tác bút viết thư pháp chữ La-tinh, Đào Huy Hoàng là một cái tên nổi tiếng cả trong nước lẫn quốc tế. Những cây bút đầy tính nghệ thuật của anh có giá từ vài trăm tới hơn một ngàn đô-la đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… Hiện anh còn chế tác thêm cả bút bi, bút chì và bút máy.
Theo anh Hoàng, nghề chế tác bút rất công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi tính kỷ luật cao nhưng cũng yêu cầu sức sáng tạo dồi dào. Cái công phu, tỉ mỉ đầu tiên nằm ở khâu chọn nguyên liệu để chế tác. Với gỗ, dù là loại nào cũng phải càng khô càng tốt, độ ẩm luôn dưới 15%, vì gỗ quá ẩm dễ bị biến dạng khi thời tiết thay đổi hoặc bị cong, vênh trong quá trình chế tác.
Với sừng bò Châu Phi và sừng hươu Sambar phải đặc, nếu rỗng hoặc quá nhiều xương sẽ không đạt yêu cầu. “Nếu không có nguyên liệu tốt thì có giỏi mấy cũng không làm được những chiếc bút cao cấp. Nhất đồ nhì nghề mà”, anh Hoàng nói.
Tính kỷ luật nằm ở công đoạn tiện bút. Ở giai đoạn này quyết định công năng của bút là ưu tiên hàng đầu chứ không phải vẻ đẹp hình thức. “Dù là loại bút nào, khi lấy điểm cầm bút làm cán cân thì trọng lượng hai bên thân phải bằng nhau. Nếu một bên nặng, bên nhẹ sẽ khó viết chữ đẹp hoặc làm người viết bị mỏi tay”, anh Hoàng nói. Đó chính là “tỷ lệ vàng” mà dòng bút nào cũng buộc phải có.
Dứt lời, anh Hoàng đưa một khúc gỗ thô vào máy tiện, khởi động máy và lia nhẹ lưỡi dao. Chừng 15 phút, một chiếc bút với những đường cong mềm mại hiện ra. “Hồi mới vào nghề, tôi mất cả ngày để tiện được vài chiếc. Còn bây giờ, tôi có thể tiện được vài chục chiếc trong một buổi chiều”, anh Hoàng kể. Quá trình khổ luyện hơn chục năm trời đã “khắc” lên hai bàn tay anh không biết bao nhiêu vết chai, vết sẹo.
“Vũ trụ thu nhỏ” trên cây bút
Sau công đoạn tiện và đánh nhám, những cây bút sẽ được anh Hoàng mang về nhà để trang trí bằng nghệ thuật sơn mài urushi của Nhật Bản. Loại sơn này được chiết xuất từ cây sơn trồng tại Nhật Bản, rất bền và khó bay màu. Do quá trình thu hoạch và chế biến phức tạp nên sơn mài urushi là nguyên liệu khá đắt tiền. Để tăng độ sang trọng và đẳng cấp cho bút, anh Hoàng còn dùng cả nghệ thuật maki-e (rắc bột kim loại quý như vàng, bạc… lên bề mặt sơn mài còn ướt) và nghệ thuật khảm trai để trang trí. Để mua được những mảnh vỏ trai có chất lượng tốt nhất, anh Hoàng phải đến Seoul, Hàn Quốc - điểm đầu của nguồn cung. Với những lớp “trang sức” xa xỉ ấy, không khó hiểu khi bút của anh Hoàng có giá cao đến vậy.
Công phu và cầu kỳ nhất có lẽ là công đoạn khảm trai. Anh Hoàng lấy một mảnh vỏ trai dày chừng 0,1mm, ngâm trong nước rồi đặt lên một tấm nhựa. Cầm chắc con dao lạng da (loại dao chuyên dùng để cắt và làm mỏng da thủ công), anh ấn nhẹ xuống mảnh trai, liên tục cắt thành nhiều miếng nhỏ chỉ rộng chừng 0,5 - 0,7 mm. “Đao pháp” của nghệ nhân từ tốn, nhịp nhàng nhưng dứt khoát và chuẩn xác. Trong không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng dao cắt vỏ trai vang lên giòn tan. Những mảnh trai đã cắt được đặt vào lớp sơn mài còn ướt trên thân bút. Rắc bột vàng là bước trang trí cuối cùng.
Dưới ánh đèn, vỏ trai ánh lên những dải màu lục sắc trên lớp sơn mài đen tuyền, được điểm xuyết các hạt vàng nhỏ li ti. Cảm giác như anh Hoàng đã và đang hái lấy những dải cực quang trên bầu trời đêm rồi dán lên thân bút. Cầm cây bút lên, tôi như được chiêm ngưỡng một vũ trụ thu nhỏ đang vận hành.
“Trang trí bút thực ra là con dao hai lưỡi. Vì nếu làm quá đơn điệu thì không gây được ấn tượng thị giác, mà lỡ làm quá tay thì lại thành màu mè, phô trương. Khó nhất là tìm được sự cân bằng”, anh Hoàng bật mí.
Người học trò trung thành của nghệ thuật
Ngót nghét đã hơn chục năm trời từ ngày anh Hoàng đến với những cây bút. Đó là năm 2013, khi anh đi dạy viết thư pháp chữ La-tinh được một thời gian. “Hôm đó, tôi tình cờ xem một video về bút viết thư pháp trên Instagram. Vậy là yêu bút luôn từ cái nhìn đầu tiên”, anh chia sẻ. Chàng sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) hoàn toàn bị mê hoặc bởi những đường cong mềm mại và những hoạ tiết, hoa văn, vân gỗ đầy tinh xảo. Số phận đã sắm thêm cho anh một vai nữa: Nghệ nhân chế tác bút viết thư pháp. “Trong tôi, không có ranh giới giữa nghệ sĩ thư pháp và nghệ nhân chế tác bút. Chữ giúp tôi hiểu thêm nhiều điều về bút và ngược lại”, anh Hoàng nói.
Nhưng quan trọng nhất, anh Hoàng luôn là một người học trò trung thành. Hơn một thập kỷ qua, anh trau dồi không ngừng nghỉ cả về “kỹ” và “nghệ”. Đó là kỹ thuật chế tác bút, nghệ thuật viết thư pháp chữ La-tinh, nghệ thuật sơn mài urushi, maki-e, khảm vỏ trai… Vừa tự học, anh vừa tham gia những khoá đào tạo tại Nhật Bản, Mỹ...
Hiện anh đang học thêm cả nghệ thuật hội hoạ Nihonga và nghệ thuật sơn mài Tsugaru-nuri - cả hai đều xuất phát từ Nhật Bản. Không chỉ miệt mài với bút, anh còn liên tục mở rộng nhãn quan nghệ thuật theo chiều ngang, rồi nhặt nhạnh, chắt lọc những cái hay để đưa vào sản phẩm… để tạo nên phong cách nghệ thuật của riêng mình.
(Còn nữa)