Nhật Lệ tương phản

TP - Như sự trớ trêu của con tạo, ở nơi nào phồn hoa đô hội thì ở đó tập trung nhiều mảnh đời éo le. Họ mưu sinh nương vào sự giàu có, thừa thãi và phung phí bằng những nghề khó gọi thành tên. Và ở đó, có sự góp mặt không ít em nhỏ.

>> Loạt bài tuổi thơ bị đánh cắp


Tranh nhau từng vỏ lon bia

Cùng một nhóm bạn đang uống bia bên bờ biển Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) sau một ngày hè oi bức, bỗng phía sau nghe tiếng bước chân rầm rập, chưa kịp quay lại để xem chuyện gì xảy ra thì chiếc ghế đang ngồi bị xô đẩy, khiến tôi ngã chỏng chơ trên nền quán. Lồm cồm ngồi dậy, định thần nhìn ra sau, cách đó chừng mươi mét, bốn năm cậu nhóc mặt lấm lem, đen nhẻm, trên vai mang theo chiếc bao tải đứng nhìn vào có vẻ sợ hãi với ánh mắt biết lỗi.

Chưa kịp phản ứng gì thì chủ quán từ trong lao ra trên tay cầm chiếc gậy, vừa chạy vừa chửi: “Mấy thằng ăn cướp. Ai cho bây vô đây, nhặt lon bia, phá khách”. Lũ nhóc ù té chạy, trên vai lắc lư chiếc bao tải to hơn người, khuất dần sau những rặng phi lao sau đồi cát. Ông chủ quán quay lại, vẻ hậm hực: “Mấy thằng ăn cướp, tui mà bắt được thì nhừ đòn”.

Ly bia trở nên đắng chát, tôi xin phép bạn ra về, để tự làm cuộc bộ hành trên cát theo hướng các cậu nhóc vừa bỏ chạy. Thấy bóng người vừa bị chúng làm ngã, mấy cậu nhóc sợ sệt, đi nhanh hơn nhằm tránh mặt. Tôi kiên nhẫn bám theo qua chừng hơn mươi nhà hàng dọc bờ biển thì tiến kịp. Thấy tôi không có vẻ gì là đi tìm xử phạt vì cú ngã, một cậu có vẻ lớn nhất hội, dừng lại lí nhí: “Cháu xin lỗi! Bọn cháu không cố ý”.

Yến Nhi đang mời mua lạc.

Cậu nhóc tự giới thiệu là Phạm Viết Sơn, học lớp 8, nhà ở thôn Tây Phú, xã Quang Phú, TP Đồng Hới. Lí do làm tôi ngã, Sơn giải thích: Nhóm của cậu có hơn chục anh em từ 10 đến 15 tuổi, đều ở xã Quang Phú vào bờ biển Nhật Lệ nhặt ve chai. Mạnh ai nấy nhặt, nên khi thấy bàn nào có lon bia đã uống hết quăng xuống gầm bàn là cả nhóm xông vào, ai nhanh thì nhặt được.

Với lại, do một số chủ quán không cho nhặt mà họ gom lại để bán, nên phải hành động thật nhanh. Nếu bị bắt, ngoài vài cái tát tai toé đom đóm, thì bao nhiêu phế liệu nhặt được trong bao đều bị chủ quán lấy sạch. Do xô lấn để tranh lon bia nên nhóm của cậu đã làm tôi ngã.

Ngày nào cháu cũng có mặt ở biển nhưng chưa một lần được tắm biển, vì cháu đến đây để kiếm tiền. Bán xong là trời tối, lại phải về lo cơm nước cho cả nhà. Có lần cháu xin mẹ nghỉ bán một buổi để tắm biển, nhưng không thể?

“Nhà bọn cháu nghèo lắm, rủ nhau vào đây nhặt lon bia về bán lấy tiền giúp mẹ đi chợ và mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới.

Hằng ngày, khoảng 3 giờ chiều là cả nhóm hẹn nhau lên đường và đến 9 giờ đêm lại về. Đi bộ gần 10 cây số để đến đây, rồi chia nhau ra mỗi nhóm vài ba đứa vào các nhà hàng để nhặt đồ mà dân nhậu vứt bỏ. Bình quân mỗi ngày cũng kiếm được từ 10 đến 15 ngàn đồng”- Sơn tâm sự.

Cậu nhóc có tên Duy, nhỏ thó so với nhóm bạn, chiếc bao trên vai vẫn lép xẹp đứng lấp ló nhìn Sơn nói chuyện và đã bật khóc khi tôi hỏi chuyện. Duy năm nay lên lớp 6, nhà đông anh em. Bố làm nghề lặn tôm hùm, trong một vụ tai nạn trên biển, bố của Duy bị liệt nửa người không làm được việc gì.

Để nuôi sống cả nhà, mẹ của Duy cũng đi nhặt ve chai nhưng vào mãi trong thành phố. Thấy mẹ vất vả, mùa hè năm nay Duy cũng đầu quân vào nhóm bạn đi nhặt lon bia trên bờ Nhật Lệ. Do mới vào nghề và nhỏ hơn các bạn nên Duy thường thua thiệt khi “vào trận”.

“Các anh không đánh cháu, nhưng không thể tranh được với các anh ấy. Thi thoảng cháu mới nhặt được vài lon. Chỉ khi nào các anh ấy đầy bao đã thì các anh mới nhường cho cháu. Hồi mới đi nhặt, do chưa quen nên nhiều hôm về không vì bị chủ quán bắt được lấy sạch” - Duy tức tưởi.

9 giờ đêm các chú nhóc vẫn chờ giành nhặt vỏ lon bia.


Ước một lần được tắm biển

Chiều muộn, dòng người đổ về Nhật Lệ càng đông, xe cộ ken đặc các nhà hàng đặc sản chạy dọc bờ biển. Đang bần thần trước phận đời, phận người trước biển thì sau lưng, một giọng trẻ con lí nhí: “Chú ơi, mua cháu lon lạc”. Tôi quay lại. Một cô bé chừng mười tuổi, có khuôn mặt khá xinh đôi mắt to, thông minh nổi bật trên nền da đen sạm. Cô bé khệ nệ bê rổ lạc còn đầy, đứng đó với ánh mắt như van lơn. “Năm ngàn một lon thôi chú ạ” - cô bé mời chào...

Cô bé ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, bố bệnh tật liên miên, một mình mẹ làm lụng nuôi cả nhà 6 miệng ăn, là con đầu trong gia đình, Nguyễn Thị Yến Nhi đã sớm hiểu được hoàn cảnh của mình. Ngay mùa hè của năm lớp 1, Yến Nhi đã theo mẹ vượt hơn 20 km để về biển Nhật Lệ bán lạc rong. Mặc dù gia đình khó khăn, phải làm lụng vất vả nhưng Yến Nhi luôn là học sinh giỏi của trường. Năm nay lên lớp 5 và Yến Nhi đã có thâm niên 4 năm cùng mẹ bán lạc rong ở bãi biển Nhật Lệ.

Theo Yến Nhi, thì làm nghề bán lạc rong tuy vất vả nhưng kiếm được tiền. Làng của cô bé cũng có hơn chục người làm nghề này. Cứ bắt đầu mùa hè, khi khách du lịch đổ về Nhật Lệ để nghỉ ngơi, tắm biển là mọi người lại lên đường hành nghề bán lạc rong.

Sơn lí nhí xin lỗi.

Hằng ngày, khoảng 1 giờ chiều là Yến Nhi lại ngồi vắt vẻo trước thanh ngang chiếc xe đạp của mẹ, phía sau đèo thêm bao lạc đã luộc sẵn tiến về Nhật Lệ. Đến nơi, hai mẹ con chia nhau lạc, rồi một người một hướng lún chân trên cát bỏng.

Có một địa điểm cố định, lúc nào ai bán hết trước thì tới đó ngồi chờ để cùng về. Cũng như các cậu bé nhặt ve chai, những người bán lạc rong cũng thường gặp sự xua đuổi của các chủ nhà hàng. Vì họ sợ khách mải ăn lạc mà quên ăn những món đặc sản nhà hàng luôn sẵn có để “chặt” đẹp du khách.

Hơn 4 năm thâm niên trong nghề, Yến Nhi đã quá quen với sự xua đuổi, cũng như sự buồn vui thất thường của thực khách. Các ông chủ nhà hàng và khách du lịch cũng có người tốt người xấu. Có chủ thì cho bán nhưng cũng không ít ông chủ cấm tiệt những người bán hàng rong bén mảng.

Yến Nhi kể: “Có nhiều khách tốt lắm, thấy cháu nhỏ, họ thương, nhiều khi không lấy tiền thừa. Nhưng cũng có những ông khách thích bắt nạt trẻ con, ăn xong lấy cớ lạc thiu không trả tiền, hoặc tính thiếu của cháu. Thậm chí có ông khách say rượu còn đánh cả cháu”.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Yến Nhi nhanh nhảu: “Cháu chỉ ước được một lần tắm biển”. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, cô bé giải thích: “Chú biết không, cháu thích tắm biển lắm. Mỗi lần thấy các bạn bằng tuổi cháu đi với bố mẹ ra tắm biển, được bố mẹ tập bơi, chiều chuộng là cháu lại đứng nhìn ngẩn người. Ngày nào cháu cũng có mặt ở biển nhưng chưa một lần được tắm biển, vì cháu đến đây để kiếm tiền.

Bán xong là trời tối, lại phải về lo cơm nước cho cả nhà. Có lần cháu xin mẹ nghỉ bán một buổi để tắm biển, nhưng không thể? Vì mẹ sợ cháu tắm một mình nguy hiểm, mà mẹ thì không thể nghỉ bán để trông cháu tắm. Biết mẹ cũng thương cháu lắm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải vậy. Từ đó cháu không xin mẹ tắm biển nữa”.

Lấy cho tôi 2 lon lạc, không quên nói lời cảm ơn, Yến Nhi lọt thỏm, khuất dần sau những nhà hàng sang trọng nằm dọc bãi biển Nhật Lệ.

(Còn nữa)