Giải bài toán vốn, sắp xếp thị trường
Liên quan đến những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu thời gian qua, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, vấn đề hiện nay, sau khi các chi phí được điều chỉnh, nằm ở chỗ hạn mức tín dụng dành cho các doanh nghiệp xăng dầu trong năm 2022 vẫn còn, nhưng không dễ để doanh nghiệp có thể sử dụng được.
Về bản chất, theo ông Bảo, để dùng được hạn mức này, các doanh nghiệp phải đảm bảo được tài sản thế chấp và các phương án kinh doanh phải có lãi. Trong khi thực tế, các doanh nghiệp đang chịu lỗ nặng, nên rất khó để sử dụng được hết hạn mức vì nguyên tắc khi cho vay ngân hàng sẽ cần có tài sản đảm bảo để tránh rủi ro.
Cũng theo ông Bảo, việc nhập khẩu xăng dầu hiện nay thực sự khó khăn. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu diễn ra, trong khi mùa đông bắt đầu ở châu Âu khiến nhu cầu dầu tăng nhanh, cùng với lệnh cấm vận đối với các sản phẩm của Nga đã tạo ra sự khan hiếm nguồn cung xăng dầu trên thị trường quốc tế. Sự khan hiếm này sẽ khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn cung, mặt khác làm chi phí tạo nguồn của doanh nghiệp, bao gồm premium (một loại phí phải trả cho người bán) nhập khẩu, bị đẩy lên rất cao.
“Đến tháng 11/2022, các hợp đồng đã ký kết thậm chí có mức premium lên tới 11-12 USD/thùng. Đây có thể nói là mức đỉnh trong hàng chục năm nay. Chưa kể khi nguồn hàng tại các thị trường ASEAN không có nhiều, các doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu ở các thị trường khác thì lại phải chịu thuế tối huệ quốc (MFN) cao hơn, chi phí tạo nguồn đội lên nhiều lần doanh nghiệp sẽ càng thêm lỗ”, ông Bảo cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cũng cho rằng, để đảm bảo tiến độ thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu Bộ Công Thương đã phân giao; cơ quan quản lý phải liên tục rà soát và điều chỉnh công thức giá cơ sở đối với hàng nhập khẩu khi có biến động bất thường. Cùng đó, việc xem xét và sắp xếp lại hệ thống cung ứng xăng dầu một cách hợp lý cũng là cần thiết khi thị trường bình ổn trở lại.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ
Về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu, báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để phân giao sản lượng nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu thị trường cuối năm. Theo đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dù kêu lỗ nặng trong chín tháng năm 2022 nhưng vẫn được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất với hơn 2,14 triệu m3, tấn.
Sau khi xem xét báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Thua lỗ do “gánh thị trường”, thanh tra, kiểm toán có thấu?
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, dù được Bộ Tài chính phân giao tăng hạn ngạch nhập khẩu từ quý 3 đến hết năm 2022 nhưng hiện tại cơ chế về vốn cho doanh nghiệp chưa được Bộ Công Thương tính toán và xác nhận bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Cụ thể, với việc tăng nhập khẩu nhưng phải chấp nhận bán lỗ kéo dài trong cả quý vừa qua và dự kiến cho cả các tháng cuối năm 2022, doanh nghiệp sẽ bị lỗ rất lớn theo yêu cầu đảm bảo kinh doanh, cung ứng nguồn hàng cho thị trường của Bộ Công Thương.
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu Nhà nước khẳng định, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp là bị lỗ do kinh doanh xăng dầu theo yêu cầu đảm bảo nguồn cung thị trường của cơ quan quản lý. “Thực sự mệt mỏi sau khi khủng hoảng này qua đi, cơ quan thanh tra, kiểm toán vào đặt câu hỏi vì sao để thua lỗ, mất vốn nhà nước thế này, chúng tôi sẽ không biết phải trả lời thế nào!?”, vị này cho hay.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một đại diện Petrolimex cho biết, doanh nghiệp đang phải gồng mình để đảm bảo cung ứng cho thị trường. Như tại TP Hồ Chí Minh, trong một số ngày tháng 10, sản lượng xăng dầu xuất bán của các cửa hàng thuộc tập đoàn đã tăng đến 2,4 lần so với trước đây. Ngay tại Hà Nội, có những ngày đầu tháng 11 lượng xăng dầu xuất bán tăng trung bình 35-40% so với tháng 10. Để cung ứng cho thị trường, các cây xăng của Petrolimex tại Hà Nội sẽ bán hàng 24/24 đến hết ngày 13/11/2022.
Cần ổn định mạng lưới bán lẻ
“Trong tháng 11/2022, có thể là lần đầu tiên trong lịch sử, chúng tôi quyết định nhập mua gần 1 triệu m3 xăng, dầu (cả nước nhu cầu khoảng 20-22 triệu m3/năm). Đây là tỷ lệ rất cao. Sau khi Bộ Công Thương phân giao hạn ngạch tổng nguồn tối thiểu của quý IV, tập đoàn đã tổ chức mua hàng ngay, đến nay đã chốt đơn hàng đối với nhà cung cấp đến hết tháng 12/2022. Lượng đưa về đã gấp 1,4 lần so với tổng nguồn tối thiểu mà Bộ Công Thương phân giao. Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức mua hàng cho tháng 1/2023”, đại diện Petrolimex cho hay.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu, đến giờ câu chuyện không chỉ là chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ nữa. Nếu để các cửa hàng bán lẻ của đầu mối tư nhân đóng cửa hàng loạt thì khách hàng sẽ dồn cây xăng của các doanh nghiệp Nhà nước. Dù các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn chiếm tới 70% tiêu thụ thị trường nhưng kinh doanh bị lỗ kéo dài, dù là vốn Nhà nước nhiều đến mấy, cũng khó có thể trụ được.
“Mật độ cây xăng của các doanh nghiệp Nhà nước phân bố không đều, chủ yếu trong các thành phố lớn, ở các tuyến đường quốc lộ huyết mạch. Còn tuyến liên huyện, liên xã, vùng sâu xa, đặc biệt ở khu vực phía Nam và một số tỉnh miền Trung lại thuộc về các doanh nghiệp tư nhân nên sẽ kéo theo tình trạng thiếu hàng cục bộ”, vị này phân tích.
Giá xăng lại tăng
Từ 15h ngày 11/11, giá xăng E5 tăng 840 đồng/lít, giá bán là 22.710 đồng/lít (giá liên bộ đưa ra không quá 22.711 đồng/lít); giá xăng RON95 tăng 1.110 đồng/lít, giá bán là 23.860 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 90 đồng/lít, giá bán là 24.980 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính ngừng xả Quỹ bình ổn giá, nhưng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5, xăng RON95 là 200 đồng/lít, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng được điều chỉnh 29 lần, trong đó có 15 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. P.V