Nhân rộng 'mắt thần'

TP - Mô hình lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự tại quận Gò Vấp, TPHCM sẽ được nhân rộng ra 23 quận, huyện và có thể được triển khai ở các tỉnh, thành khác.
Quận Gò Vấp đã lắp đặt hơn 1.200 camera giám sát an ninh ở nhiều tuyến đường, khu dân cư. Ảnh: Việt Văn

Hiệu quả mô hình phòng chống tội phạm bằng lắp đặt camera giám sát ở quận Gò Vấp, TPHCM đã giúp tình hình tội phạm giảm nhiều”, đại diện công an quận Gò Vấp cho biết trong hội nghị sơ kết hai năm thực hiện mô hình lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự tại quận này ngày 24/7.

Tội phạm giảm

Gò Vấp là quận có số dân đông thứ 2 ở TPHCM, lại là nơi có hơn 50% dân nhập cư đến sinh sống, nên tình hình an ninh trật tự luôn nóng. Trước năm 2013, Gò Vấp là nơi phức tạp về trật tự xã hội với nhiều tuyến đường, con hẻm từng là điểm đen của tội phạm, mại dâm, cờ bạc như tuyến đường Tân Sơn, đường Phan Huy Ích. Nay, những điểm đen này gần như vắng bóng tội phạm, tệ nạn xã hội.

“Việc triển khai nhân rộng mô hình ra cả nước thì cần phải có thời gian và lộ trình. Trước mắt là triển khai mô hình này trên địa bàn TPHCM trước. Trong thời gian tới, sẽ có tổ chức hội nghị đánh giá sâu rộng, lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, các ban ngành, người dân… để đánh giá mô hình rồi mới tính toán việc triển khai quy mô rộng ở nhiều tỉnh thành” .          

Đại tá 

Huỳnh Ngọc Phương

Anh Nguyễn Thành Trà (SN 1973, quê Nghệ An), chủ cửa hàng bán sim card điện thoại trên đường Tân Sơn (phường 12), cho biết, con đường từng được coi là khu “đèn đỏ” giờ không còn đông đúc, nhộn nhịp với những quán cà phê, khách sạn, điểm massage như trước. Trên đường đã vắng bóng những cô gái chân dài, váy ngắn đứng mời gọi khách. “Từ ngày địa phương gắn camera dọc con đường này thì không thấy họ xuất hiện”, anh Trà nói. “Hàng quán cà phê, khách sạn, điểm massage cũng dần ít, thay vào đó là những cửa hàng bán đồ gỗ, điện thoại…”, chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1979, quê Nam Định), bán nước mía ven đường, chỉ tay về con đường Tân Sơn nói.

Tại chợ Hạnh Đông Tây (phường 11, quận Gò Vấp), Ban quản lý chợ cũng đã lắp đặt “mắt thần” để giám sát tình hình buôn bán, kinh doanh cũng như phòng chống cướp giật, móc túi. Nhiều tiểu thương ở chợ không còn lấn chiếm lòng đường, họ buôn bán trật tự hơn. Tình trạng móc túi, cướp giật ở chợ cũng không còn xảy ra thường xuyên như trước.

Chị Hoàng Thị Yến (SN 1977, quê Bình Thuận) nói: “Có vài lần Ban quản lý chợ xuống nhắc nhở mình buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, nhưng không hiểu vì sao họ biết mình lấn chiếm. Sau đó hỏi mấy chị bán ở gần mới biết chợ có gắn camera. Từ đó, mình không dám để hàng lấn xuống lòng đường để bán như trước, không thì sẽ bị phạt nguội”. Đại diện Ban quản lý chợ cho hay, nhờ hệ thống camera giám sát mà cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra kịp thời hai vụ đánh nhau giữa chợ. Ngoài ra, xử phạt 9 trường hợp lấn chiếm lòng đường để buôn bán, lập bãi giữ xe trái phép ở chợ với số tiền hơn 60 triệu đồng và tạm giữ 14 bảng hiệu, 59 xe đẩy tự chế.

Thượng tá Trà Văn Lào, Trưởng Công an quận Gò Vấp, cho biết, trong thời gian áp dụng mô hình này trong các khu dân cư, tuyến đường, tình hình trật tự xã hội ổn định, tội phạm giảm rõ rệt so với các năm trước. “Năm 2014, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn quận là 420 vụ, giảm 26 vụ; án trộm tài sản là 230 vụ, giảm 35 vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2015, số vụ phạm pháp hình sự là 188 vụ, giảm 5 vụ; án trộm tài sản là 92 vụ, giảm 35 vụ; tỷ lệ khám phá án luôn đạt trên 60%. Truy xét hình ảnh qua camera giám sát 56 vụ với 78 đối tượng; ngăn chặn kịp thời 23 vụ với 47 đối tượng tụ tập gây rối trật tự công cộng, có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội trong khu dân cư”, Thượng tá Lào liệt kê.

Nhân rộng

Sau hai năm thực hiện, toàn quận đã lắp đặt gần 1.262 camera an ninh tại 47 tuyến hẻm, 29 đoạn đường phức tạp, 40 hộ có phòng cho thuê. Phường 12, quận Gò Vấp là địa phương chủ công trong việc thực hiện thí điểm mô hình này. Trung tá Lê Thành Hưng, Trưởng Công an phường 12, quận Gò Vấp cho biết, với phương châm “đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả”, mô hình được địa phương thực hiện theo phương thức vận động người dân đóng góp, chính quyền cùng làm. “Mô hình không chỉ hiệu quả trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội mà còn giúp công an nhận diện, truy xét nhanh các đối tượng gây án, phạm tội trong thời gian ngắn”, Trung tá Hưng nói.

Đại tá Huỳnh Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an nói, đây là mô hình mới, chưa có tổng kết sâu rộng nên chưa thể đánh giá hết tính hiệu quả, cũng như những hạn chế của mô hình.

Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, sắp tới, mô hình được nhân rộng ra 23 quận, huyện nhưng không bắt buộc. Do đó, các quận, huyện khác tham khảo và triển khai ứng dụng mô hình này phù hợp với tình hình địa phương bằng những lộ trình và kế hoạch cụ thể. Đại tá Tài cho rằng, mô hình có hiện đại đến đâu thì cũng có những khiếm khuyết, tội phạm cũng sẽ sớm tìm ra cách đối phó. “Do đó, không thể bỏ qua những mô hình khác mà cần chú trọng phối hợp triển khai đồng bộ các mô hình trong công tác phòng chống tội phạm”, ông nói.