Ngày 29/11, tại Cần Thơ diễn ra diễn đàn Đẩy mạnh sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Diễn đàn do Cục Thủy lợi, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy nông và cấp nước (Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam) cho biết, ĐBSCL đang định hình lại với nhiều khác biệt so với quá khứ. Có 3 yếu tố tác động chính lên vùng, gồm phát triển ở thượng lưu sông Mekong (thủy điện, nông nghiệp…); biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sụt lún, hạ thấp lòng dẫn.
Các tác động trên dẫn tới thay đổi dòng chảy về đồng bằng, giảm lũ, giảm dòng chảy đầu mùa khô và tăng dòng chảy cuối mùa khô, giảm phù sa, khai thác cát quá mức… Hệ quả, tăng xâm nhập mặn, đe dọa an ninh nước ngọt; gây ngập lụt; xói lở, hạ thấp mặt đất.
Theo ông Tuấn, dòng chảy mùa lũ ở ĐBSCL đang theo xu thế giảm so với quá khứ. Từ năm 2011 về trước, cứ khoảng 4-5 năm xuất hiện 1 trận lũ vừa đến lớn, nhưng từ sau 2012 đến nay chỉ có lũ nhỏ. Trong 30-50 năm tới, gần như số năm lũ lớn không đáng kể.
Về xâm nhập mặn, từ năm 2013 đến nay mặn xâm nhập sớm hơn từ 1 - 1,5 tháng so với giai đoạn 2004 - 2012, cao điểm của mùa mặn cũng tới sớm hơn.
Viện Thủy lợi dự báo, với các công trình ngăn mặn hiện có, đến năm 2030, ranh mặn 4g/l sẽ vào sâu hơn 3km so với hiện tại, vùng ảnh hưởng mặn tăng lên khoảng 150.000ha; tới năm 2050, ranh mặn vào sâu thêm gần 7km, diện tích ảnh hưởng tăng lên khoảng 180.000ha.
Ông Lê Tự Do - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam cho biết, đơn vị đang vận hành 5 cống ngăn mạnh tại ĐBSCL, bảo vệ khoảng 1 triệu ha. Dù vậy, các vùng bảo vệ, vận hành chưa đồng bộ, cùng một hệ thống công trình nhưng nhiệm vụ, nhu cầu và yêu cầu dùng nước cùng thời điểm khác nhau, hoặc đối nghịch lẫn nhau. Bên cạnh đó, quy hoạch bố trí sản xuất của một số địa phương chưa ổn định, chưa thống nhất…
Theo Cục Thủy lợi, ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, nhưng đang đối mặt những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước, như: Gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, chuyển hướng dòng chảy sông Mekong sang các khu vực khác; suy giảm chất lượng đất và nước; hiệu quả sử dụng nước thấp; khai thác nước quá mức; tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
"Những thách thức trên đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân và an ninh lương thực quốc gia", Cục Thủy lợi nhận định.