Cuộc Hội thảo nêu trên được Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26/5, tham dự có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an; Công an một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh và Thái Nguyên…
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng hình sự là xu thế tất yếu trên thế giới. Công tác này cụ thể hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, góp phần quan trọng trong phòng, chống tội phạm, đảm bảo minh bạch, công khai, hạn chế oan, sai và kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đặt ra nhiều câu hỏi gợi mở với các đại biểu tham dự hội thảo như, công tác số hóa hồ sơ, tài liệu, tiêu chuẩn trong ghi âm, ghi hình có âm thanh thế nào; lưu trữ ra sao để đảm bảo đúng pháp luật, không hỏng, lộ, lọt tài liệu trong quá trình lưu trữ. Cùng với đó, công tác bố trí con người, mô hình tổ chức, biên chế cần được triển khai như thế nào nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện.
Trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo, Đại tá Chử Văn Dũng, Phó Chánh Văn Phòng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an khẳng định: Cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội và triển khai thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Bộ Công an đã tổ chức quán triệt các quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trong đó có quy định về việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can đến cơ quan điều tra các cấp, từng điều tra viên, cán bộ điều tra trong lực lượng CAND. Công an các đơn vị, địa phương bước đầu đã tổ chức triển khai việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra các vụ án.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai ghi âm hoặc ghi hình hỏi cung bị can vẫn chưa được triển khai thống nhất trên toàn quốc do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có lý do chưa được trang bị cơ sở vật chất và còn nhiều hạn chế trong tập huấn, bồi dưỡng cán bộ về những quy định trong công tác lưu trữ, bảo quản và sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.
Tại hội thảo, có 11 ý kiến tham luận đại diện cho các đơn vị của Bộ Công an, Công an các địa phương trong đó có Công an TP Hà Nội chia làm các nhóm các vấn đề về cơ sở lý luận, thực tiễn, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng, tập huấn lực lượng điều tra viên và nhóm các chuyên đề về cơ sở vật chất đã góp phần nhận diện khá đầy đủ, đúng đắn dưới góc độ pháp lý, lý luận và thực tiễn áp dụng cũng như hệ quả pháp lý có thể xảy ra trong quá trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh.
Phòng ngừa vi phạm trong hoạt động hỏi cung
Các đại biểu cũng làm rõ cơ sở pháp lý của việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; những giải pháp và yêu cầu đặt ra trong hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; công tác ghi âm, ghi hình có âm thanh cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia có hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như những giải pháp phòng ngừa các vi phạm thường gặp trong hoạt động hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh…
Phát biểu kết luận hội thảo, Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn Phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẳng định, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can là quy định mới trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, do vậy, để thực hiện đúng và có hiệu quả công tác này, phù hợp với thực tiễn của hoạt động điều tra xử lý tội phạm, khắc phục.
Bên cạnh đó Trung tướng Đỗ Văn Hoành cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an báo cáo với Chính phủ, Quốc hội để đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng thu hẹp phạm vi thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho điều tra viên, cán bộ điều tra kỹ năng, tư thế, tác phong, thái độ…
Công an các địa phương cần chủ động bố trí điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ chuyên môn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; cũng như nguồn kinh phí để trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh để thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm những khó khăn, bất cập có thể nảy sinh trong hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh, các đơn vị cần tiếp tục tập trung quán triệt các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ Công an đến các đồng chí lãnh đạo cơ quan điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác điều tra xử lý tội phạm.