Nhận diện điện mặt trời

TP - Thời buổi khó khăn, dường như đang có xu hướng nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang kinh doanh điện mặt trời. Người ta cho rằng, chi phí thấp, xây dựng dễ, thu hồi vốn nhanh và nhà tài trợ vốn sẵn sàng.

Đến như Nhà máy điện Mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp (huyện Ea Súp-Đắk Lắk) được mệnh danh lớn nhất Đông Nam Á, chỉ mới khởi công hồi tháng 4, đến giữa tháng 11 này đã đóng điện. Nhà máy này được lắp đặt gần 2 triệu tấm pin quang năng. Được biết, doanh nghiệp đầu tư dự án này đang đầu tư 3 nhà máy sản xuất thiết bị điện (thiết bị điện mặt trời tại Hòa Bình; điện gió Đắk Lắk và tỉnh Ninh Thuận). Công bằng mà nhìn nhận, hướng phát triển tận dụng năng lượng tự nhiên tại vùng khô cằn sỏi đá vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ, vừa đóng góp ngân sách địa phương nên tỉnh nào (có điều kiện tự nhiên phù hợp) cũng chào đón nhà đầu tư.

Tuy vậy, dường như đang có sự ngơ ngác của nhiều cơ quan chức năng ở địa phương trước sự phát triển ồ ạt của điện mặt trời. Ở Gia Lai, Đắk Lắk, người dân ra ngõ “gặp” điện mặt trời áp mái (nhà), áp trang trại quy mô nhỏ… Với loại điện áp mái (1MW), quyền cho phép lắp đặt thuộc công ty điện lực. Việc lắp đặt thiết bị khá sơ sài, hầu hết không mấy quan tâm tới phòng cháy, chữa cháy; thậm chí nguy cơ rò điện. Nghịch lý thay, phía điện lực vô tư cấp phép; các sở ngành và địa phương lúng túng kiểm tra, xử phạt. Thực tế đã diễn ra cháy nổ điện mặt trời áp mái tại Gia Lai, nhưng rất may hậu quả chưa nặng nề.

Với những nhà máy quy mô lớn, cấp bộ, ngành duyệt quy hoạch vẫn có chuyện cần bàn. Nhiều người cho rằng, vòng đời 20 năm của những tấm pin và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm thu hồi nên không quá lo lắng. Trong quá trình đó, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT sẽ sớm hình thành các tiêu chuẩn, tuy vậy cần cảnh báo những nhà đầu tư cố tìm cách vẽ quy hoạch xâm phạm rừng tự nhiên. Thậm chí, đã manh nha xuất hiện vòng luẩn quẩn: Nhiều năm trước, doanh nghiệp chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp (cao su, hồ tiêu…); nay sản phẩm mất giá, lại chuyển đổi sang làm điện mặt trời. Liệu có hành động ngầm từ những nông lâm trường chủ động hoặc bị thao túng lợi dụng danh nghĩa rừng “nghèo” để chuyển đổi?

Trên thế giới, việc bắt mặt trời, gió, sóng biển… tạo ra điện năng phục vụ con người không mới. Những bài học, cảnh báo từ các quốc gia đi trước cần được cơ quan chức năng và chính quyền các cấp nghiêm túc đúc rút; thay vì để các doanh nghiệp ồ ạt xây dựng.