Tên thật của Y Vũ là Trần Gia Hội. Nghệ danh của ông không gắn với kỷ niệm, cũng không có ẩn ý nào: “Y Vân nghĩa là Yêu Vân. Ngày xưa anh trai tôi có người tình ngoài Hà Nội, tên là Tường Vân. Tôi lấy nghệ danh theo anh trai: Vân Vũ, chứ không có hàm ý như nghệ danh Y Vân”.
Y Vũ người gốc Hà Nội. Qua bao thăng trầm của đời sống ông vẫn giữ cốt cách của người Hà Nội xưa, ngay trong giọng nói, dù Sài Gòn bao lâu nay đã thành quê hương thứ hai của ông: “Gia đình tôi đã vào Nam lâu lắm rồi nhưng vẫn giữ chất Hà Nội. Không chỉ tôi, cả anh Y Vân, cả chị tôi cũng giữ nguyên chất Hà Nội”. Y Vũ thừa nhận, anh trai ảnh hưởng nhiều tới ông trong âm nhạc. Ông chia sẻ với Tiền Phong: “Anh Y Vân dạy nhạc cho tôi từ hồi mười mấy tuổi. Tôi vốn không mê nhạc lắm nhưng anh Vân bảo, học nhạc đi. Thế là tôi học. Anh ấy dạy tôi lý thuyết sáng tác ca khúc, còn dạy tôi cả hòa âm nữa”.
Nhưng nếu chỉ xét mảng ca khúc thì Y Vũ không bị giống Y Vân. Âm nhạc của ông có màu sắc riêng. Tác giả “Tôi đưa em sang sông” lý giải: “Nội tâm của mỗi người khác, sẽ ra giai điệu, tiết tấu riêng. Cái riêng của mỗi người sao giống người khác được?”. Nếu Y Vân được khán giả nhiều thế hệ yêu thích với “60 năm cuộc đời”, “Lòng mẹ”, “Sài Gòn đẹp lắm”… thì Y Vũ cũng có “Tôi đưa em sang sông”, “Kim”, “Ngày cưới em”… được công chúng nồng nhiệt đón nhận.
Đã từng có những câu hỏi từ phía khán giả và đồng nghiệp: “Tôi đưa em sang sông” của Y Vũ hay của Nhật Ngân? Hay là tác phẩm được viết chung bởi hai nhạc sỹ tên tuổi? Khi phóng viên Tiền Phong nhắc lại câu hỏi này, Y Vũ, nay đã ngoài 80 tuổi, không vui: “ Đã tranh cãi quá nhiều. Miễn bàn. Tôi không thích đính chính, không thích nói gì. Cho trôi qua đi”. Nhưng ông xác nhận: Tiền bản quyền của ca khúc “Tôi đưa em sang sông” vẫn thuộc về ông.
Những bóng hồng trong ca khúc của Y Vũ có khi liên quan đến cuộc đời ông song cũng có khi là những xúc cảm của ông khi xem một bộ phim, đọc một cuốn truyện hay. “Ca khúc “Chuyện loài hoa dang dở” tôi viết sau khi đọc xong một tác phẩm văn xuôi kể về hai người yêu nhau nhưng kết cục đau lòng, chàng trai ra đi để lại người yêu bơ vơ trong cõi đời”, ông kể.
Ông từng chia sẻ về sự ra đời của “Tôi đưa em sang sông” và “Ngày cưới em”. Chúng đều bắt nguồn từ hoàn cảnh thực của ông. Đó là mối tình đầu không thành. Người con gái khiến trái tim ông rung lên là một “cành vàng lá ngọc”. Định kiến hôn nhân “môn đăng hộ đối” đã khiến mối tình đẹp ấy chóng tàn. Nỗi đau trong tim người con trai vì không thể giữ được người con gái mình yêu đã chảy thành những bản tình ca buồn: “Tôi đưa em sang sông/Bàn tay nâng niu ân cần/Sợ bến đất lấm gót chân/Sợ bến gió buốt trái tim/Nếu tôi đừng đưa em/Thì chắc đôi mình không quen/Đừng bước chung một lối mòn/Có đâu chiều nay tôi buồn”.
Trái tim đa cảm của Y Vũ đã giúp ông thăng hoa trong âm nhạc. Nếu Lê Hoàng được biết đến với “Gái nhảy”, đưa đời vũ nữ lên phim thì trước năm 1975, Y Vũ đã đưa đời vũ nữ vào âm nhạc, với ca khúc “Kim”: “Cớ sao buồn này Kim/Cớ sao sầu này Kim/Ai thương em hơn anh mà tìm”. Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Kim” được Y Vũ chia sẻ: “Ngày đó tôi quen nhiều vũ nữ. Bởi tôi dạy nhảy đầm. Cô vũ nữ nào cần học nghề cho giỏi thì tôi luyện. Vì gần gũi với các cô nên tôi cảm thương. Tôi viết bài “Kim”, cho vũ nữ tên Kim, một cô gái nghèo bị bệnh tim. Tôi viết “Những tâm hồn hoang lạnh”, cho đời vũ nữ nói chung.
Năm tháng đắng cay và phần đời ẩn dật
Y Vũ từng trải qua những năm tháng nhọc nhằn để mưu sinh: “Có những năm tôi phải đi làm trên Sông Bé, phải cạo mủ cao su, để có tiền nuôi vợ con. Sau 2 năm tôi về Sài Gòn, mà đâu có thoát lao động cực khổ, lại tiếp tục đi làm công nhân ở công trường. Tôi không biết làm công nhân nhưng hồi ấy có sức khỏe nên được giao việc nhấc xi măng lên xe bò rồi kéo càng, hai người khác đẩy đằng sau, cứ chuyển xi măng với cát ra công trường như thế, nặng nhọc hết sức. Sau đó, tôi về sống chung với chị và mẹ ở đường Lê Văn Sỹ (Sài Gòn), lại có người bạn rủ đi làm ve chai. Tôi sống mấy năm bằng nghề ve chai, đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm, một ngày đi mấy chục cây số”.
Ngoài khả năng sáng tác, tác giả “Tôi đưa em sang sông” còn có tài chinh phục nhiều nhạc cụ. Nhạc sỹ hào hứng tiết lộ: “Đàn nào tôi cũng chơi được. Kể cả đàn tranh, đàn bầu”.
Những năm tháng nhọc nhằn sau giải phóng làm dày thêm những trải nghiệm sống của một nghệ sỹ tài hoa. Mãi đến gần năm 1990, Y Vũ mới được trở lại với âm nhạc. “Một người em của tôi có phòng trà ở cư xá Bắc Hải (Sài Gòn) mời tôi chơi nhạc, tôi đánh piano. Làm được vài năm thì nhạc sỹ Nhật Bằng rủ tôi về Câu lạc bộ Bến Nghé làm thể nghiệm nhạc vàng. Tôi và anh Nhật Bằng phụ trách ban nhạc, chia nhau hòa âm. Mãi đến năm 90, hai nhạc sỹ là Vinh Sử và Giáng Bình đến tận nhà bảo: Anh sáng tác đi, tụi em làm biên tập. Thế là tôi sáng tác trở lại”, Y Vũ kể. Nhờ thế gia tài ca khúc của Y Vũ đã giàu có thêm, đến nay ông có khoảng 100 ca khúc, gồm những ca khúc sáng tác trước 1975 và những ca khúc viết sau năm 1990. Y Vũ và Vinh Sử có vài ca khúc viết chung.