Thế hệ tôi, cứ lặng lẽ trôi xa. Nhớ bạn bè buồn đơ mắt mà chẳng biết làm gì. Ngoài kia giãn cách. Có được gặp nhau cũng nói cười, sau chiếc khẩu trang. Ai cũng bệnh này, tật nọ ùa đến.Chẳng thể hẹn trước. Ngồi một chút lại xin lỗi ra ngoài.
Còn đâu cái thuở thâu đêm suốt sáng, thi-ca-nhạc-họa quanh quán nước,ngoài ga cũ.Năm xu một chén trà, mười xu một chén rượu. Rượu quê trong cái chai nút lá chuối, chai rượu ty ngày xưa bằng thủy tinh đục, mùi rượu quê, nhớ muốn khóc. Thằng Hưng đói, chết vì đói hay vì rượu quê, giờ nằm nơi đâu. Uống rượu không có bạn thấy nhạt miệng. Giờ sao còn sức đi tìm mộ bạn xưa, thắp nén nhang tình.
Cứ một hai mùa lại nghe đứa này, đứa nọ đi rồi, xa khuất rồi. Mình bệnh nền nặng, bác sỹ không cho tiễn bạn về trời. Nằm một mình buồn, chờ đến lượt đi theo.
Có ban nhạc anh em đồng nghiệp xưa, về hưu rồi vẫn đàn hát vui. Hỏi ban nhạc tên gì. Họ cười trừ thật đáng yêu “ban nhạc ba xê” (3 C): CHƠI CHỜ CHẾT.
Ngảnh về phía trước
Đám trẻ, con cháu mình rồi cũng theo ta.Nhấm nháp lại vị ngọt ngào, đắng cay thuở trước. Dẫu họ nghe loại nhạc khác, ăn mặc khác, yêu đương ca hát buồn vui khác, và, khóc cũng khác xưa theo. Thuở thanh niên tôi đã nghe một ai đó nói vậy.
Vui vì con cháu không phải khốn khổ vì chiến tranh, đói rét, chết chóc. Nhưng đại dịch thì có khác gì, còn nặng nề gấp bao lần. Nhìn mà thương những đứa trẻ của tương lai.
Tôi đã quyết định xuống núi. Về bên con cháu mình cùng chia sẻ vui, buồn, mơ ước. Mười hai năm sống nơi “tựa sơn, nghinh hải” Vũng Tàu, tưởng yên vui tuổi già, nhưng đâu quên được thế thái nhân tình.
Viết bài này theo lời mời của các bạn, là lúc tôi đã ở Sài Gòn, lắng nghe những đứa trẻ thế hệ Gen Z chơi đàn. Chợt giật mình, té ra mình đã sinh ra ở thời tiền chiến, lớn lên trong chiến tranh, lang thang qua thời hậu chiến, giờ lại hát nghêu ngao với con trẻ giữa thời đại dịch. Mãi vẫn chưa thoát khỏi những ám ảnh của những cuộc đại chiến.
Ngảnh nhìn xuống
Đất dưới chân còn đâu. Những con đường tuổi thơ trơn tuột, gồ ghề mùi đất sét, cỏ xanh và hoa dại. Những triền đê gió mát, bóng tối và mái tóc em thơm mùi hoa bưởi. Những bước chân trần làm lụng nuôi chúng tôi khôn lớn, những người cổ xưa thật thà tốt bụng.
Đất dưới chân còn đâu, những con đường bê tông lạnh giá. Những thành phố bạt ngàn nhà cao tầng, xe hơi, xe máy chen chúc… Còn đâu chú dế con đào hang đất bé xíu ngó nhìn trẻ con. Đã lâu rồi không thấy những con châu chấu, cào cào dễ thương, những cánh chuồn chuồn mơ mộng bờ ao.
Đất vẫn còn, nhưng không ở dưới chân. Đất được trộn hóa chất nuôi cây trồng tăng sản. Ao vẫn còn nhưng là ao giả bằng nhựa, đổ nước vào nuôi ốc, nuôi cá, nuôi lươn với thức ăn hóa chất cho sinh sôi, to béo những con vật biến đổi gen.
Không còn người đi chân đất, rất ít người biết ngồi xổm chuyện trò, nhai trầu đầu ngõ, rít ống điếu thảnh thơi dưới bóng tre làng. Đất dưới chân còn đâu.
Ngửa mặt nhìn lên, mây trắng vẫn bay về. Nhưng xa kia còn rình rập những bóng ma quái đản của thế giới mới. Những cơn mưa acid, lốc xoáy, bão tuyết, lũ quét, dầu tràn, những vùng đất mỡ màu nuôi người nay hóa sa mạc. “Trái đất đớn đau” câu hát dằn vặt tôi, đưa tôi xa rời biển về thành phố cùng những người trẻ đứng lên, chữa lành trái đất, trái tim mình.
Ngảnh mặt nhìn ngang
Con người đã sống khác xưa nhiều. Tất nhiên, phải thế mới là cuộc sống.
Những người già thì không dễ quen, lẩm cẩm với chiếc smartphone, ngơ ngẩn với nụ cười cao ốc, mệt mỏi với tiếng xe chạy trong sương mờ khói độc. Đôi khi ngồi chuyện trò với con kiến, con thạch sùng thấy vui hơn. Nhưng được nhìn trẻ con cười là hạnh phúc khôn tả.
Những người già vẫn còn lý do để sống vì trái đất lúc nào cũng vẫn còn trẻ con. Thử tưởng tượng có một ngày, trái đất không còn tiếng cười con trẻ…
Ngảnh mặt đi để thấy hư vô.
12/2021