Sân khấu Nhà hát Lớn được thiết kế lại khá ấn tượng, thay phông nền bằng hệ thống màn hình lớn hình chữ V mở ra không gian vô tận cho âm nhạc. Nếu không phát các hình ảnh đồ họa thì sân khấu chỉ có hai màu đen và trắng của phím dương cầm. Trong đó màu trắng chảy thành dải như dòng suối từ sâu trong sân khấu xuống tận chỗ ngồi của khán giả. Điều thú vị là thiết kế này vừa được dùng cho đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Phú Quang vừa diễn ra tại đây hôm trước.
Tùng Dương, nhóm M4U… có là những nghệ sĩ kiểm soát được ngọn lửa trong giọng hát để không làm “xém”tác phẩm. Có thể coi Tùng Dương thay mặt tác giả là linh hồn của đêm nhạc. Anh hát nhiều bài khó và đảm nhận việc biên tập chương trình. Khán giả vẫn dành những tràng pháo tay lớn nhất cho Mỹ Linh, Thanh Lam và Tùng Dương.
Nếu Tùng Dương là gương mặt mới thì sự nghiệp của hai diva đều có những bài hit đáng nhớ từ kho tàng của Phó Đức Phương. Mỹ Linh tâm sự khi hát lại Trên đỉnh phù vân, chị cảm thấy sống lại thời thanh xuân hơn 20 năm trước khi bài hát được đón nhật nồng nhiệt tại Duyên dáng Việt Nam 5. Mỹ Linh cũng lên tiếng kêu gọi khán giả ủng hộ nhạc sĩ qua việc mua đĩa, sau khi gia đình khẳng định có khoảng 100 đĩa nhạc dành để tặng khán giả. Được biết đêm nhạc được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, các nghệ sĩ tham gia đều không nhận thù lao.
Đêm nhạc cũng là dịp để công bố những “của để dành” của Phó Đức Phương. Đó là con gái, nhà báo Phó Khánh Chi viết kịch bản đêm nhạc, con trai Phó Đức Hoàng soạn bản song tấu piano Qua miền mưa xanh kịp trong 3 tuần để song tấu piano cùng chị ruột Phó Vũ Thư. Bản nhạc mang phong cách hiện đại có cái kết nhẹ nhàng để lại ấn tượng đẹp trong người nghe.
Phó Đức Hoàng nói: “Tôi sử dụng chất liệu Á Đông và có thể quý vị không nhận ra nhưng trong đó có phảng phất một vài nét nhạc của bố tôi…”. Quả nhiên rất khó để nhận ra một giai điệu quen thuộc nào đó của bố anh trong bản nhạc. Phó Đức Hoàng hiện là trợ giảng tại Nhạc viện Boston (Mỹ) và chính COVID-19 đã cho anh thời gian để ở bên gia đình và người cha.
Phó Khánh Chi phát biểu cuối đêm diễn: “Cái bóng của cha tôi quá lớn, và chúng tôi đã cố gắng để không làm ông thất vọng…”. Chị cũng nhắc lại tuyên bố của nhạc sĩ: “Thà mất một ngón chân để được nghe các ca sĩ hát chuẩn bài hát của mình”. Theo Khánh Chi, nhạc sĩ vừa hoàn thành 6 bài hát sử thi mà chương trình lần này mới chỉ kịp giới thiệu 2 bài là Văn Giang- một khúc sông Hồng (Tùng Dương hát) và Hội thề Mê Linh (Phương Anh). Tuy nhiên liệu có hợp lý khi nhạc sĩ để cho Trưng Trắc trong Hội thề Mê Linh đường đường là một nữ vương nhưng lại xưng “thiếp” khi thể hiện quyết tâm chống giặc trước trời đất và ba quân?
Mặc dù không có cầu truyền hình nào để khán giả có thể chiêm ngưỡng dung nhan nhạc sĩ. Theo một clip do Mỹ Linh công bố khi đến thọ giáo tác giả để hát Một thoáng Tây Hồ thì có thể thấy bàn tay của nhạc sĩ rất gầy và vẫn phải cắm kim truyền. Cuối đêm nhạc, BTC có phát lời của ông: “Xin cảm ơn tất cả các bạn đã đến với chương trình Khúc hát phiêu ly từ tổng đạo diễn đến các nghệ sĩ đã đưa ra được một sáng kiến mà nó đầy tình cảm, đầy tình thương yêu trong lúc tôi đang gặp khó khăn. Sự động viên của các bạn cũng làm cho tôi khỏe mạnh thêm, phấn chấn thêm, như được tiếp thêm năng lượng để vượt qua cơn bạo bệnh này. Và chắc chắn, rất chắc chắn tôi sẽ trở lại”.
Đoạn băng hình do nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến quay lại cảnh Phó Đức Phương hát Tửu ca trong xe ô tô (trên đường đi về thực địa sáng tác) đầy say mê cũng khiến khán giả vỗ tay hồi lâu. Khúc hát phiêu ly để lại ấn tượng đẹp về sự tận hiến có tính chất lan tỏa trong nghệ thuật từ người sáng tác tới người biểu diễn, thể hiện. Một điều đáng quý nữa là tinh thần tự tôn dân tộc luôn thấm đẫm trong các tác phẩm của Phó Đức Phương. Âm nhạc Việt Nam vì thế còn cần ông trở lại…