Bỏ tư duy chỉ là 'công trình phụ'
Ông Trần Xuân Nhĩ- Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, vấn đề nhà vệ sinh bẩn trong trường học một phần không giải quyết được vì từ lâu tâm lý của nhiều người quản lý các trường coi là "công trình phụ".
Ông Nhĩ cho rằng, vấn đề này không thể giải quyết thấu đáo nếu chính lãnh đạo các trường vẫn coi là phụ hơn những phòng học. Đây là quan niệm sai lầm cần phải thay đổi.
Cũng theo ông Nhĩ, không đủ sức để các trường đều có nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn thì việc kêu gọi xã hội hóa là cần thiết.
Một hiệu trưởng của trường THCS ở Hoài Đức, Hà Nội thừa nhận, hàng năm, tiền được đổ về cho mọi hoạt động của trường chỉ vẻn vẹn vài trăm triệu cho khoảng 700 học sinh. Trong đó, nếu nhà vệ sinh phải thay thế, sửa nhiều thì tiền chi cho nhà vệ sinh lại "ăn" sang các khoản khác.
"Các khoản nhận được hàng năm đều chỉ cố định một mức, nếu chi tiêu quá sẽ không đủ. Việc nếu kêu gọi được sự đóng góp của phụ huynh thì có thể cải thiện được tình hình nhà vệ sinh. Nếu có tiền, nhà trường có thể sẽ thuê thêm nhân công dọn dẹp sau mỗi tiết học. Vì trường vừa chật, chỗ đi không đủ, học sinh quá đông, không được dọn dẹp thường xuyên thì đương nhiên sẽ bốc mùi hôi thối"- vị hiệu trưởng này nhận định.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên dạy Sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, khi nhà trường kêu gọi xã hội hóa để nhà vệ sinh thì cô hoàn toàn ủng hộ.
Theo cô Thảo, thực tế, chính trường học nơi cô dạy nhà vệ sinh đã được hội phụ huynh đứng ra kêu gọi theo kiểu xã hội hóa. Vì thế, khoảng 6 năm qua học sinh không phải đi nhà vệ sinh bốc mùi quá hôi thối.
Thầy Nguyễn Cao Cường - giáo viên trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho hay, nếu nhà trường kêu gọi xã hội hóa nhà vệ sinh thầy sẽ ủng hộ...
Nhà vệ sinh trường học, hay bãi rác?
Cô Đỗ Ngọc Dung, giáo viên dạy Sinh trường THCS Dương Liễu (Hà Nội) cho rằng, xã hội hóa cũng tốt nếu phụ huynh đồng lòng. Rất nhiều thầy cô giáo cũng tỏ ra ủng hộ khi được hỏi về vấn đề có nên xã hội hóa nhà vệ sinh trường học.
Tránh biến tướng?
Ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, xã hội hóa là tốt nhưng làm sao để sử dụng số tiền hiệu quả, đúng mục đích, làm nhà vệ sinh sạch sẽ cho các con dùng lại cả vấn đề.
"Nếu có xã hội hoá thì sẽ có nhà vệ sinh đẹp sạch hơn cho các con. Tuy vậy, các trường cần có những qui định, quy trình về xã hội hóa chứ không để nó biến tướng thành mục đích khác. Nếu hội phụ huynh đứng ra kêu gọi và cũng giám sát thì sẽ hiệu quả hơn"- ông Nhĩ nêu quan điểm
Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, thực tế, tại trường cô năm nào hội phụ huynh cũng đứng ra kêu gọi đóng góp nên có tiền thêm để sử dụng nên nhà vệ sinh tạm ổn.
Tuy nhiên, cũng theo cô Thảo, nhà trường muốn xây dựng nhà vệ sinh sạch, đầu tiên và đương nhiên phải xác định cần có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn cho học sinh.
“Trước đây, trường tôi có sửa chữa nhà vệ sinh nhưng nó vẫn không hết mùi. Một phần do nhà thiết kế hồi xưa chưa chọn hướng gió, phòng thì nhỏ. Ngày nay, nhà vệ sinh của trường xây to hơn, có sức chứa một lúc có thể 30 học sinh sử dụng cùng lúc nên mới không thấy quá tải”.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo cho rằng, đi cùng với xã hội hóa, nhà trường quan tâm về công tác duy trì làm sạch và giáo dục học sinh về ý thức giữ gìn sạch sẽ, vệ sinh chung. Số nhà vệ sinh không cần nhiều nhưng cần phải vệ sinh số lần trong ngày đủ để làm lúc nào cũng sạch sẽ.