Ông liên tục được mời đề từ (viết chữ) cho các công ty, cửa hàng dù ông luôn tự nhận chữ mình xấu và chưa đạt đến độ chín cần có của nghệ thuật thư pháp… Chuyện diễn biến vượt quá tầm kiểm soát của Mạc Ngôn khi hiện nay trên mạng và thị trường bán đấu giá xuất hiện nhiều tác phẩm thư pháp mang tên ông, nhưng không phải do ông viết được bán với giá rất đắt. Điều này đặt Mạc Ngôn vào tình thế rất khó xử khiến ông phải lên tiếng: “Đó không phải là tác phẩm tôi viết! Chữ tôi không được đẹp như thế!”.
Hôm 15/9 vừa qua, cuộc triển lãm thư pháp mang tên “Đại mỹ tầm nguyên – Ngô Duyệt Thạch, Mạc Ngôn, Dương Hoa Sơn hàn mặc tam nhân hành” (Tìm về vẻ đẹp – triển lãm thư pháp của ba tác giả…”). khai mạc ở Khổng miếu Bắc Kinh và Bảo tàng Quốc Tử Giám. Mạc Ngôn được mời đến dự và đã lên tiếng làm rõ về những ý kiến bàn tán, chê bai về “Thư pháp Mạc Ngôn” bán tràn lan trên thị trường hiện nay.
Được biết, tuyệt đại bộ phận tác phẩm thư pháp mang tên Mạc Ngôn được mang bán đấu giá sau khi ông được trao giải Nobel, giá bán trên thị trường rất không ổn định, bức đắt nhất được bán với giá 977.500 Nhân dân tệ (khoảng 3 tỷ 226 triệu VND). Mấy năm gần đây, thông tin về thư pháp Mạc Ngôn luôn tràn ngập các báo, giá cả khi cao khi thấp. Như tháng 11/2016, một bức thư pháp của Mạc Ngôn đem bán đấu giá chỉ được 5.000 tệ (16,5 triệu VND), bị bình luận là “quá bèo”, “hào quang đã hết”…
Tuy nhiên đại bộ phận các tác phẩm thư pháp trên thị trường đều không phải là do Mạc Ngôn viết ra. Mạc Ngôn nói, mấy năm gần đây có rất nhiều tác phẩm hàng fake mang tên ông được bán trên mạng, đem đấu giá hoặc bán trao tay nhau. Ông thành thật: “Phần lớn các tác phẩm này đều đẹp hơn tôi viết. Thật sự chúng không phải chữ tôi, tôi không viết được như thế, tôi cũng không dám nhận xằng chữ đẹp của người khác; hy vọng các bậc tiên sinh đừng giấu giếm tên tuổi; tác phẩm của mình xin cứ đề tên tuổi mình thì tốt hơn!”.
Mạc Ngôn còn nói, ông cho rằng đó là một hiện tượng văn hóa vì có nhiều người yêu thư pháp, nhiều người bắt chước thư pháp của ông khiến ông “cảm thấy hổ thẹn và bất an”. Ông nói: “Đó là sự kích thích và động lực đối với tôi. Tôi sẽ cần cù luyện bút học cổ nhân để nâng cao kỹ nghệ thư pháp của mình, để cây bút lông trong tay viết ra những chữ trở nên dễ
coi hơn”.