> Công bố giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT
> NSƯT Minh Hằng: Nhan sắc chưa bao giờ có lỗi
Mái tóc cắt cao, khuôn mặt bầu bầu và giọng nói âm lượng ổn định, trầm ấm, Lê Văn Thảo nói ông vừa ra tỉnh Yên Bái xây mộ cho anh trai về. Ông kể nhà có 7 anh em, đa số đi bộ đội, nhưng những người đi bộ đội thì không sao mà hai người mất còn rất trẻ lại không phải là lính.
Anh của ông tập kết ra Bắc, bị chết đuối ở Tây Bắc. Em gái đi dạy học trong chiến khu giáp biên giới Campuchia, bị pháo địch bắn vào trường học, cô chạy lên cứu các cháu, hy sinh. Những câu chuyện khó lường như thế dường như thúc đẩy ông đến với những suy nghiệm của một nhà văn?
Ông nói: “Anh tôi lúc mất chưa có người yêu, một mình một nấm mồ ở Tây Bắc, nhưng chúng tôi không dời vào Nam, mà để mộ anh ở lại với Tây Bắc – Ông kể - Mấy ngày trước tôi vừa mới ăn cháo lòng ở Phố Ràng, nơi Trần Đăng đã viết ký sự Trận Phố Ràng mà tôi đã đọc thuộc lòng và cố bắt chước cho giống khi viết phóng sự đầu tiên của mình ở chiến trường Nam Bộ”.
Nhà văn Lê Văn Thảo quê ở Đồng bằng sông Cửu Long, có họ hàng với nguyên Tổng thống chế độ miền Nam - ông Dương Văn Minh. Bố ông và ông Dương Văn Minh được một người chú nuôi ăn học ở Sài Gòn. Sau bố ông vào chiến khu rồi tập kết ra Bắc, ông Minh thì làm quan chức cao cấp chính quyền miền Nam.
Nhà văn nói: “Tôi đang học năm thứ 3 ở trường đại học tại Sài Gòn, nghe tin bố quay vào Nam phụ trách công tác giáo dục, tôi vào chiến khu gặp bố. Lúc đầu tôi làm ở ngành giáo dục, sau chuyển sang làm công tác tuyên giáo. Tác phẩm đầu tiên là phóng sự viết về trận chiến nổi tiếng Đồng Xoài. Trận đó tôi cơ động cùng sư đoàn 9, sư đoàn vừa đánh vừa vượt qua thị trấn Đồng Xoài. Bộ đội đi đến đâu tôi đi tới đó, chúng tôi cứ hành quân và chiến đấu suốt ngày đêm”.
Nhớ lại thời sinh viên trong nội thành, ông nói: “Lúc đó tôi đã bắt đầu tập viết, nhưng chưa thành công lắm. Tôi từng đi dự thính một buổi nói chuyện của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đang rất nổi tiếng, cảm nhận ông ấy khá cao ngạo. Đến năm 26 tuổi tôi mới tập trung vào viết văn. Tác phẩm thì in ngoài Bắc cả, tôi trong này chỉ biết theo chiến dịch và cứ thế viết”.
Lê Văn Thảo nói người ông thần tượng nhất là nhà văn Nguyễn Thi. Ông Nguyễn Thi lăn lộn với cơ sở, viết những truyện ký chất lượng nhất của văn chương chiến khu thời bấy giờ. Cùng vào Sài Gòn chiến dịch Mậu Thân 1968, nhưng ở cánh quân khác. “Một buổi chiều, tôi nghe anh em nói với nhau rằng Nguyễn Thi hi sinh rồi” – ông kể.
Những ngày cầm bút gian khổ, Lê Văn Thảo vẫn nhớ như in. “Chiến dịch Mậu Thân 1968, đoàn công tác chúng tôi gồm 400 người, khi vào gần đến nội thành thì bị máy bay trực thăng của địch tấn công, chúng tôi chiến đấu đến lúc chỉ còn lại 100 người”. Ông Trần Bạch Đằng phụ trách anh em sáng tác khuyên nghệ sĩ quay ra vì chiến trường sẽ còn khốc liệt hơn nữa, nhưng anh em đều xin ở lại.
Một hôm, nhà văn Lê Anh Xuân tới gặp ông và nói: “Tôi mới tới, nghe trong nội thành chiến đấu rất gian khổ. Tôi ở vòng ngoài thấy không yên tâm, ông có cách nào cho tôi đi vào thực tế trong đó”. Lê Văn Thảo cùng Lê Anh Xuân đi theo một đoàn công tác tiến sâu vào nội thành.
Họ chạm trán địch. Lê Anh Xuân hi sinh dưới hầm bí mật. Lê Văn Thảo nói: “Trong nhật ký của Lê Anh Xuân mới được nhà xuất bản in, trang nào cũng nhắc về tôi. Trang cuối là chữ của tôi. Tôi đã tự tay viết vào đó sau khi Lê Anh Xuân hi sinh”.
Lê Văn Thảo nói, với ông “nhà văn là người kể chuyện, những câu chuyện có ý nghĩa về cuộc đời”. Trong một truyện ngắn, ông mô tả một người phụ nữ bế đứa con đi tìm ông bố bộ đội, chẳng biết ở đơn vị nào.
Chị mang theo con gà làm quà cho chồng, đến khi con gà đẻ ra đàn con, chị vẫn chưa tìm được chồng. Truyện ngắn đăng lên báo, có người nói phải truy cứu tác giả vì có vấn đề về tư tưởng “làm sao xây dựng hình ảnh người lính lại để vợ con bơ vơ như thế!”.
Lê Văn Thảo kể: “Tôi nghe được câu chuyện ấy trong một trạm dừng chân ở đồng bằng. Người phụ nữ nghĩ rằng đơn vị của chồng ở đâu đó trong huyện thôi. Đến đâu chị cũng hỏi thăm chồng, nhưng không gặp.
Tôi thấy vậy, tôi viết, chứ tôi có ý đồ tư tưởng gì xấu gì đâu”. Anh nói thêm: “Trong chiến tranh, chuyện trai gái yêu nhau, lấy nhau rồi phải xa nhau, đi tìm nhau là chuyện rất đời thường”.
Lê Văn Thảo nói ông rất thích văn chương Nam Bộ và muốn trở thành nhà văn Nam Bộ. Theo ông có hai nhà văn Nam Bộ điển hình là Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. “Văn chương Nam Bộ chân chất, mộc mạc, không thích những gì khoa trương, văn chương Nam Bộ gần gũi với đời sống và giàu tính tư liệu”.
“Tôi học được từ nhân dân không chỉ những lời ăn tiếng nói, hành văn mà còn cả những câu chuyện – Nhà văn nói - Tôi hiểu rằng chính những người dân những vùng sâu vùng xa còn khó khăn, họ lại là những người lưu giữ các câu chuyện quý, có những cái nhìn thú vị về cuộc đời này”.
Trong chiến dịch Mậu Thân, ông đã sống cùng các đơn vị bộ đội suốt 3 tháng trời trong vòng vây kẻ thù. “Có ngày một tay tôi chôn cất 10 liệt sĩ – ông nói – Những người bạn của tôi là chiến sĩ xung kích, tôi lắng nghe họ kể chuyện và ghi lại những tâm tình”.
Không khí văn học, phương pháp sáng tác có ảnh hưởng nhiều đến ông hay không? Tôi hỏi. Nhà văn lắc đầu: “Nhiều khi anh này anh kia đề cao tính này tính nọ trong văn học, tôi nghe vậy, nhưng khi viết thì cứ cái gì chân thực là tôi viết. Khi có đổi mới văn học, nhiều người không viết được nữa, còn tôi thì càng viết khỏe. Những tác phẩm giúp tôi đoạt giải thưởng phần lớn tôi đều viết từ sau đổi mới”.
Những tác phẩm chính của Lê Văn Thảo có Đêm Tháp Mười (1972), Ông cá hô (1995), Một ngày và một đời (1997), Con mèo (1999), Cơn giông (2002), Truyện ngắn chọn lọc (2003)… Tiểu thuyết Con đường xuyên rừng giúp ông đoạn giải thưởng Hồ Chí Minh được viết từ năm 1994 và hoàn thành năm 2006.
Ông nói ông viết văn không phải để giành giải thưởng dù rằng chẳng ai lại không thích giải thưởng. “Tôi viết khá chậm, tiểu thuyết in ra nhận 7 triệu đồng nhuận bút, nhưng tôi phải bỏ 3 triệu đồng mua sách để tặng bạn bè. Tôi sống bằng viết báo và làm những việc linh tinh – Ông nói - Tôi viết không phải vì tiền và bởi thế tôi không chịu nhiều áp lực với ngòi bút của mình”.
Con đường xuyên rừng là một tiểu thuyết giàu tính hư cấu của Lê Văn Thảo. Ông mô tả một trận càn quá lớn của địch, nào dân, nào quân đội, mỗi nơi lạc một vài người, họ tập hợp nhau lại, không phải bạn bè, không cùng đơn vị, không cùng nhiệm vụ, thậm chí chưa biết tên nhau, chỉ có một khẩu súng lục của cô văn công với 3 viên đạn gỉ, nhưng rồi họ sát cánh bên nhau để tìm đường thoát khỏi vòng vây.
Dù rằng khi ra khỏi vòng vây, đoàn người “hỗn hợp” ấy cũng tổn thất rất nhiều, nhưng, chuyến đi của họ luôn có một niềm tin ở phía trước, niềm tin vào ngày mai tươi sáng.
Ở tuổi 73, ông đang hoàn thành một tập truyện vừa gồm 3 truyện và chuẩn bị khởi viết một cuốn tiểu thuyết. Ông nói: “Tôi bị ung thư đã 6 năm, chỗ quen biết nhất của tôi giờ chính là bệnh viện. Nhưng tôi vẫn nghĩ, vẫn viết, vẫn đọc.
Tôi nhớ mãi câu của cô y tá nói với tôi: Bác đừng buồn, cái gì không dùng được nữa thì bác nhờ bệnh viện cắt quẳng đi là xong. Tôi nghĩ mình vẫn cứ lạc quan như cô y tá vậy, cứ đi và viết”. Thế nhưng, “Có lúc ngày tôi hút một bao rưỡi thuốc lá, nhưng chỉ hút phà phà, không hít vào phổi”.
Ông nói thêm “Tháng vừa rồi tôi đọc 2 tiểu thuyết rất hay, rất thú vị. Năm nay tôi đã đi được 3 tỉnh phía Bắc và 5 tỉnh phía Nam, ra được đảo Thổ Chu, đảo Phú Quý. Những câu chuyện nghe được bà con kể trên các chuyến xe giúp tôi rất nhiều trong sáng tác”.
Câu chuyện viết lách của nhà văn Lê Văn Thảo cũng tựa như cuộc sinh tồn trong tiểu thuyết Con đường xuyên rừng. Những con người trong cuộc đời này vẫn nương tựa vào nhau, để vượt qua những khúc quanh khó khăn.
12/2012
|
Lê Văn Thảo là mẫu nhà văn ít khi xuất hiện trước báo chí và công chúng. Khi ông được giải, không ít người hỏi “Lê Văn Thảo là cha nào vậy?”. Thật ra ông từng đoạt Giải A tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN 2006, Giải thưởng Nhà nước về VH –NT 2007, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật 2012.
Không phải vào hội mới là nhà văn
Lê Văn Thảo từng 10 năm làm lãnh đạo Hội nhà văn TPHCM. Giờ đã về hưu, ông kết luận: “Lúc làm ở hội, viết không được nhiều, nhưng bù lại cũng biết nhiều chuyện”.
Nhà văn Lê Văn Thảo nói: “Tôi không đồng ý với nhiều người khi cho rằng văn chương trẻ hiện nay nhạt. Tôi thích văn của một số bạn. Văn chương của họ có nhiều nét mới. Thế hệ chúng tôi nhìn đời đau đáu, thế hệ bây giờ nhìn cuộc đời nhẹ nhàng, phóng khoáng”.
Khi còn làm lãnh đạo Hội nhà văn TPHCM, ông đã mời nhiều cây bút không phải hội viên tham dự. Nhiều người chất vấn tại sao lấy tiền của hội đi mời những người không phải hội viên. Nhà văn Lê Văn Thảo nói: “Nhà văn là người viết có tác phẩm hay, có tâm huyết và có tài, không dứt khoát cứ phải vào hội mới là cây bút mới trở thành nhà văn”.