Ngày 12/1 (giờ địa phương), Nhà Trắng thừa nhận sai lầm về sự vắng mặt của ông Obama hay không cử quan chức cấp cao đồng hành cùng hơn 40 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cấp cao trên khắp thế giới trong buổi tuần hành tại Paris.
Đây được coi là buổi tuần hành lịch sử thể hiện sự đoàn kết sau vụ thảm sát đẫm máu tại tòa soạn Charlie Hebdo và các vụ bắt cóc con tin khiến 17 người thiệt mạng.
Việc thừa nhận sai lầm diễn ra sau khi chính phủ Mỹ hứng chịu nhiều chỉ trích.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest giải thích, ông Obama rất muốn đích thân tham dự nhưng thời gian quá gấp, sự xuất hiện của ông đòi hỏi quy trình đảm bảo an ninh khổng lồ và phức tạp lên tới 36 tiếng để triển khai.
Hơn nữa, sự xuất hiện của ông Obama cũng buộc phải đặt thêm các biện pháp giới hạn với những người tham gia tuần hành, đặc biệt các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước.
“Lẽ ra chúng tôi nên cử một quan chức cấp cao hơn tham dự buổi tuần hành”, tuyên bố của Nhà Trắng về việc họ chỉ cử Đại sứ Mỹ tại Pháp tham dự.
Ông Earnest cũng khẳng định lại, Mỹ luôn ủng hộ Pháp. Trước đó, ngày 9/1, ông Obama lên án vụ tấn công và bày tỏ tình đoàn kết với nước Pháp: “Tôi muốn người dân Pháp hiểu rằng, nước Mỹ sẽ bên cạnh các bạn ngày hôm nay, và cả ngày mai”.
Sự vắng mặt của ông Obama trong “biển người” tuần hành khiến giới truyền thông đặt ra nhiều câu hỏi. Nhiều người lên tiếng chỉ trích Mỹ đã không làm tròn nhiệm vụ của một đồng minh, cũng như bỏ qua cơ hội bày tỏ tình đoàn kết chống chủ nghĩa cực đoan trên thế giới.
“Thật đáng buồn khi 50 nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ tình đoàn kết tại Paris mà Tổng thống Obama lại từ chối tham dự”, lời than phiền của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Trong khi đó, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết, ông Obama ở nhà xem bóng đá, còn Phó Tổng thống Joe Biden không có lịch. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ có mặt tại Paris nhưng cũng không tham dự.