Anh có thể đánh giá sơ qua về thơ Hoàng Nhuận Cầm?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ nổi tiếng từ những năm chống Mỹ cứu nước. Anh từng được giải nhất cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ ngay trong những năm chiến tranh. Thơ anh Cầm rất trong trẻo, vô tình đã phản ánh được sự thật rất đặc biệt, thế hệ trẻ Việt Nam đã ra trận đến lớp người cuối cùng. Tức là những người lính trong thơ Hoàng Nhuận Cầm chính là lớp học trò ra trận, không phải học sinh, sinh viên ra trận như trường hợp thơ Anh Ngọc, Vương Trọng. Thơ Hoàng Nhuận Cầm trong trẻo, tươi mới, hồn nhiên của một lớp học sinh ra trận. Tôi từng ví thơ Hoàng Cầm như một làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai. Đẹp như thế!
Thơ đẹp như làn sương sớm trên thảm cỏ ban mai. Còn ngoài đời Hoàng Nhuận Cầm có như “sương sớm”?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ngoài đời Hoàng Nhuận Cầm là người nói chuyện rất hấp dẫn. Tôi hay đi nói chuyện chung với anh, do Thư viện Quân đội tổ chức. Chúng tôi đi các đơn vị quân đội nói chuyện với lính về văn hóa đọc, về thơ người lính, thơ chiến trận. Hai anh em đi với nhau, bổ sung cho nhau, rất vui. Anh Cầm đọc thơ, nói chuyện thơ thì như một nghệ sỹ nhạc Rock, bùng cháy lên. Ông Cầm không yên đâu, ông ấy dựng cả hội trường đứng dậy luôn. Ông ấy luôn bùng cháy nên nói tốn sức lắm. Vì ông ấy hò hét, ông ấy cháy lên cùng với những con chữ. Tôi cứ rủ rỉ đi thôi. Nên hai anh em đi với nhau đẹp lắm. Tôi cũng tham gia nhiều chương trình với Cầm, như “Khách đến chơi nhà”, Đài tiếng nói Việt Nam. Những tiết mục trực tiếp của Đài cho thấy một Hoàng Nhuận Cầm thông minh và đầy bất ngờ. Những buổi nói chuyện của Hoàng Nhuận Cầm rất thu hút người nghe. Tôi lường trước mọi diễn biến mà tôi vẫn còn bất ngờ với Hoàng Nhuận Cầm cơ mà!
Nhiều người đánh giá Hoàng Nhuận Cầm đa tài. Còn anh?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Hoàng Nhuận Cầm đa tài. Tôi không đánh giá cao “Bác sỹ hoa súng”, tiết mục đó hài hước, vui vui thôi. Anh viết kịch bản khá hay, như “Mùi cỏ cháy”, viết về lớp ra trận Nguyễn Văn Thạc, Thùy Trâm. Anh là bạn thân của Nguyễn Văn Thạc. Trong những trang hồi ký của Nguyễn Văn Thạc cũng đã nói rất nhiều về Cầm, đã tiên đoán ngòi bút của Cầm như thế nào.
Đời riêng của Hoàng Nhuận Cầm ra sao?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi không rõ lắm vì Cầm ít tâm sự. Tôi thường xuyên gạp anh trong chương trình chung. Anh ít khi tâm sự về gia đình. Chỉ biết anh không may mắn lắm trong hạnh phúc riêng. Tôi không nỡ hỏi.
Tính cách Hoàng Nhuận Cầm, theo anh?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Anh ấy là người tốt bụng và nhiệt huyết với bạn bè. Phải nói là hết lòng hết dạ.
Anh ấy có vẻ không đông bạn bè trong giới văn chương?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Mỗi nhà thơ đều có một cá tính. Điều đó bình thường thôi. Các nhà thơ có cá tính thường cá tính mạnh, cực đoan. Điều đó dẫn đến người yêu, người ghét.
Anh có “sốc” khi Hoàng Nhuận Cầm ra đi bất ngờ?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Anh ấy lúc nào cũng bùng cháy lên. Anh ấy không kiềm chế được nên tắt đột ngột cũng dễ hiểu. Lúc nào tôi cũng cảm giác anh như con ve, lột xác thành tiếng kêu, để rỗng ruột mà chết.