Nhà sản xuất Mỹ: 'Tôi giận dữ khi ê-kíp Vợ ba để bé 13 tuổi đóng cảnh tình dục'

“Ở Mỹ, trẻ em hoàn toàn không được phép đóng cảnh tình dục thật hay mô phỏng”, nhà sản xuất Mỹ Toni Casala, CEO tổ chức Children in Film, viết cho Zing.vn.
Toni Casala là một nhà sản xuất phim và là người sáng lập Children in Film, tổ chức tư vấn cho ngành công nghiệp giải trí Mỹ về Luật lao động trẻ em California. Trả lời Zing.vn qua thư điện tử, bà khẳng định: “Ở Mỹ, trẻ em hoàn toàn không được phép đóng cảnh tình dục thật hay mô phỏng. Với các cảnh nhạy cảm, đạo diễn buộc phải sử dụng người đóng thế cho diễn viên nhỏ tuổi”.

“Đạo diễn hay nhà sản xuất có thể lập luận rằng phim của họ có giá trị nghệ thuật, nhưng luật là luật”, bà Casala nhấn mạnh. Bà cho biết tại Mỹ, chính phủ quản lý việc sử dụng trẻ em trong ngành công nghiệp giải trí. Do đó, các bậc cha mẹ không phải là người quyết định cuối cùng chuyện con em mình có được quyền đóng phim hay không.
Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh gây rất nhiều tranh cãi khi trình chiếu tại Việt Nam. 
“Ví dụ ở California, tại bất kỳ phim trường nào cũng phải có một giáo viên studio hoặc một nhân viên phúc lợi xã hội (được chính quyền cấp phép hoạt động) để giám sát và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn, chuyện học hành và tâm lý của trẻ em tham gia đóng phim”, bà Casala giải thích.

Trên thực tế, các bang tại Mỹ đều có những quy định tương tự về việc bảo vệ trẻ em hoạt động trong ngành công nghiệp giải trí. Từ năm 1977, New York - nơi đạo diễn Vợ ba Nguyễn Phương Anh học điện ảnh - đã ban hành luật cấm sử dụng trẻ em khi quay các cảnh tình dục thật hay mô phỏng trong phim. Và phim không cần bị coi là “khiêu dâm” vẫn bị cấm nếu phạm luật.

Luật Mỹ nói gì?
Điều 263 của luật hình sự New York quy định rõ việc sử dụng trẻ em trong một “màn biểu diễn tình dục” là “tội nghiêm trọng hạng C” (class C felony). Hình phạt với “tội nghiêm trọng hạng C” có yếu tố bạo lực là mức án tù từ 3,5 - 15 năm. Mức phạt với “tội nghiêm trọng hạng C” không có yếu tố bạo lực là tù treo từ 2-15 năm.

“Biểu diễn” ở đây có nghĩa là đóng kịch, đóng phim, chụp ảnh, nhảy hoặc các hình thức biểu diễn khác trước khán giả. “Tình dục” có nghĩa là hành vi tình dục thực tế hoặc mô phỏng. “Mô phỏng” được định nghĩa là sự thể hiện rõ ràng, cho thấy hành vi tình dục, và một người tham gia để lộ một phần ngực, bộ phận sinh dục hoặc mông.

Hoàn toàn có thể áp dụng các quy định này với phim Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) nếu phim được quay tại Mỹ. Bởi đạo diễn sử dụng một bé gái chưa đầy 13 tuổi trong các cảnh tình dục gây tranh cãi.

Khi phỏng vấn nữ diễn viên 13 tuổi, Zing.vn đặt câu hỏi: “Ở cảnh ân ái đêm tân hôn, Trà My gần như để lộ gần hết phần trên của cơ thể và có những đụng chạm mạnh với bạn diễn nam lớn tuổi - diễn viên Lê Vũ Long, cảm giác của bạn lúc đó ra sao?”.
Cảnh tình dục gây tranh cãi trong Vợ ba. 
Cô bé trả lời: “Chúng tôi quay cảnh đó mất 2 đêm, phần vì đạo diễn yêu cầu gắt gao, phần vì tôi căng thẳng. Lần đầu anh Vũ Long ăn trứng trên người mình, tôi hơi giật mình. Sau đó diễn lại nhiều lần, tôi khá mệt nên ráng làm cho xong, không suy nghĩ gì nhiều nữa”.

Phóng viên hỏi tiếp: “Ngoài những cảnh với bạn diễn Vũ Long, nhân vật của Trà My còn nảy sinh tình yêu đồng giới với nhân vật của Maya. Việc phải hôn Maya khi tỏ tình đem lại cho bạn khó khăn gì?”. Cô bé nói: “Đối với tôi, cảnh đó khó không phải ở những động chạm cơ thể với chị Maya mà ở cách thể hiện cảm xúc đau khổ, thất vọng”.

Khi phóng viên hỏi mẹ Trà My cảm xúc thế nào lúc trực tiếp xem trên phim trường, bà trả lời: “Thật ra, khi quay những cảnh như vậy, tôi sẽ tránh ra, không ngồi gần để tránh xem trực tiếp. Sau đó, tôi được cho xem lại qua monitor. Nếu không vừa ý, tôi có quyền yêu cầu quay lại”.

Với những câu trả lời này, hoàn toàn có thể suy luận rằng đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã không sử dụng diễn viên đóng thế trong các cảnh tình dục của Vợ ba. Hơn nữa, trong cảnh “húp trứng” gây tranh cãi dữ dội, nam diễn viên Lê Vũ Long để lộ phần ngực. Do đó, cảnh này hoàn toàn có thể được mô tả là hành vi “sử dụng trẻ em trong một màn biểu diễn tình dục” theo luật pháp Mỹ.

“Nghệ thuật” không phải là cái cớ
Chuyên gia Toni Casala nói rằng đạo diễn hay nhà sản xuất không thể viện lý lẽ “tác phẩm có giá trị nghệ thuật” để biện minh cho hành vi sai luật. Vụ kiện New York vs Ferber năm 1982 có thể coi là tài liệu tham khảo về vấn đề này. Sau khi ban hành luật cấm sử dụng trẻ em trong các màn biểu diễn tình dục, chính quyền New York đã thực thi luật rất nghiêm ngặt.

Năm 1982, nhà chức trách New York bắt giữ Paul Ferber, chủ một tiệm sách người lớn, sau khi ông này bán hai phim có cảnh trẻ em thủ dâm cho cảnh sát chìm. Tòa sơ thẩm New York xác định các phim này không mang tính chất khiêu dâm, nhưng Ferber vẫn bị kết án.

Vụ việc được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ. Và Tòa án Tối cao Mỹ xác định Tu chính án 1 (bảo vệ quyền tự do ngôn luận) không cản trở chính quyền các bang ra lệnh cấm bán những tài liệu có cảnh trẻ em quan hệ tình dục (thực tế hay mô phỏng), dù các tài liệu đó không mang tính chất khiêu dâm.
Không cần phải là phim có cảnh tình dục, những hình ảnh người mẫu trẻ tạo dạng như thế này cũng đủ khiến dân Mỹ nổi giận và Bộ Tư pháp phải mở cuộc điều tra Calvin Klein. 
Trong cuốn Criminal Law (Luật Hình sự), tác giả Joycelyn M. Pollock - tiến sĩ luật hình sự của Đại học New York, từng hành nghề luật sư tại Texas - giải thích trong vụ New York vs Ferber, hoạt động sản xuất các bộ phim mà Ferber bán - chứ không phải nội dung của chúng - là đích ngắm của luật.

“Việc một tác phẩm có giá trị văn học, nghệ thuật nghiêm túc hay bất kỳ giá trị nào khác không phải là cái cớ để có thể bỏ qua những tác hại mà nó gây ra cho diễn viên nhỏ tuổi”, tiến sĩ Pollock khẳng định trong cuốn Criminal Law.

Vụ New York vs Ferber là tiền lệ để nhà chức trách Mỹ xử lý các vụ việc gây tranh cãi liên quan đến việc sử dụng trẻ em trong các phim, hình ảnh có tính chất tình dục. Tháng 8/1995, Calvin Klein gây tranh cãi dữ dội khi tung bộ ảnh các người mẫu có ngoại hình rất trẻ ăn mặc thiếu vải, tạo dáng khiêu khích.

Các hình ảnh quảng cáo này xuất hiện dày đặc trên truyền hình, tạp chí, dán trên xe buýt… Nhiều bậc phụ huynh và các tổ chức bảo vệ trẻ em nổi giận, phản ứng dữ dội, buộc Calvin Klein phải rút hết quảng cáo.

Theo luật cấm sử dụng trẻ em trong các màn biểu diễn tình dục, Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra Calvin Klein dù các quảng cáo này không bị liệt vào danh sách “sản phẩm có tính chất khiêu dâm”. Cuộc điều tra chỉ kết thúc sau khi Calvin Klein công bố đủ bằng chứng cho thấy tất cả các người mẫu tham gia chiến dịch quảng cáo đều trên 18 tuổi.

Tiền lệ đáng xấu hổ
Sau khi nhà sản xuất xin ngừng chiếu phim Vợ ba “trước sức ép của báo chí và dư luận”, một số nhân vật trong ngành phim ảnh Việt Nam như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Charlie Nguyễn, Á hậu Vũ Hoàng My… và nhiều cây bút mô tả việc phản đối bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng là hành vi đạo đức giả, cổ hủ, bức tử phim nghệ thuật, kéo lùi sự phát triển và hội nhập của điện ảnh Việt Nam.
Đạo diễn Nguyễn Phương Anh khẳng định rất yêu phụ nữ, nhưng lại dùng bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng. 
Cũng có nhà báo lập luận rằng ở Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về việc trẻ em đóng cảnh nóng, nên “thôi bỏ qua” cho Vợ ba. Nhưng như Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc bé gái 13 tuổi đóng phim có nhiều cảnh nóng là vi phạm Luật Lao động và Luật trẻ em.

Ngoài ra, cũng cần phải nói đến vấn đề đạo lý. Trả lời phỏng vấn báo Phụ Nữ, đạo diễn Nguyễn Phương Anh nói: “Tôi yêu phụ nữ và có thể dành cả ngày, cả cuộc đời mình để làm điều gì đó về những người phụ nữ”.

Nhưng đạo diễn Nguyễn Phương Anh lại thể hiện “tình yêu” đó bằng việc sử dụng một bé gái chưa đến 13 tuổi đóng cảnh tình dục - hành vi bị cấm tại quốc gia nơi cô học điện ảnh, hoàn toàn có thể bị coi là hành vi lạm dụng trẻ em. Vậy phải hiểu “tình yêu” đó là như thế nào? Liệu “tình yêu” đó có thật hay chỉ là lời nói đầu môi chót lưỡi?

Người phương Tây có câu: “Actions speak louder than words”. Hành động thực tế mới thực sự là thước đo, chứ không phải là lời nói gió bay.

Trên trang cá nhân, Á hậu Vũ Hoàng My viết rằng Vợ ba là niềm tự hào của các nhà làm phim nghệ thuật Việt và sau này, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phương Anh sẽ được trân trọng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì khẳng định lịch sử sẽ ghi nhận Việt Nam có một thời kỳ “cơ hội để xem các phim nghệ thuật ngoài rạp ngày càng bị thu hẹp lại”.

Nhưng nếu xét trên các khía cạnh pháp lý và đạo đức, Vợ ba phải bị coi là một vết nhơ trong lịch sử phim Việt, bởi đạo diễn đã lạm dụng một đứa trẻ chưa đầy 13 tuổi để thực hiện tham vọng nghề nghiệp của bản thân, và nhiều nhà làm phim có hiểu biết, được giáo dục ở phương Tây, cùng nhiều tay viết đã hòa giọng cổ vũ cho hành vi đó.

Vợ ba chính là tiền lệ đáng xấu hổ, là bài học đắt giá mà giới làm phim Việt Nam cần phải tiếp thu để không bao giờ lặp lại, để không bao giờ có thêm tranh cãi về việc trẻ em đóng cảnh nóng mà không có được sự bảo vệ cần thiết.

“Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những quy định rất chặt chẽ để quản lý việc trẻ em đóng phim. Các bạn hãy chiến đấu vì điều đó”, chuyên gia Toni Casala nhắn nhủ trong thư điện tử gửi Zing.vn.
Theo Theo Zing