Nhà nước có thể trở thành khách hàng lớn, khó tính và sòng phẳng của báo chí

TPO - Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm, Nhà nước có thể trở thành khách hàng lớn, khó tính với báo chí. Khách hàng này đủ nguồn lực và sòng phẳng trong việc đặt hàng thông tin truyền thông chính sách.

Báo chí không thể chạy theo mạng xã hội

Sáng 16/3, chuyên đề Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024, thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhìn nhận, nguồn thu trong lĩnh vực báo chí hiện nay đã khác rất nhiều. Theo thống kê từ Bộ TT&TT, có cơ quan báo chí hàng năm chỉ có doanh thu vài trăm triệu đồng nhưng mức chi ra cho một cơ quan báo chí từ vài trăm triệu đến vài trăm tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ tại chuyên đề Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí. Ảnh: Nhàn Lê

Theo ông Lâm, một trong những nguyên nhân khiến báo chí giảm nguồn thu do xu hướng quảng cáo trên không gian số, phương thức bán hàng điện tử phá vỡ phương thức thương mại truyền thống. Để tìm đến khách hàng, doanh nghiệp không nhất thiết phải tìm đến báo chí để quảng cáo, mà còn có nhiều cách khác hiệu quả hơn.

“Mô hình đếm lượt xem, tương tác thực ra cũng không hiệu quả như chúng ta tưởng. Nếu báo chí chứng minh hiệu quả bằng lượt xem thì dần dần cũng bị thay thế bởi phương thức khác. Các sản phẩm thương hiệu bây giờ chi tiền quảng cáo đều quan tâm rất nhiều đến chi phí thực để chuyển đổi thành khách hàng. Chúng ta không thể chạy theo mạng xã hội, mạng xã hội làm thế nào thì chúng ta làm thế ấy được” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Ông Lâm phân tích thêm, những năm gần đây, báo chí lên không gian mạng nên làm mất đi thói quen trả tiền mua báo của độc giả. Nhiều người trả tiền cho nội dung bài báo trên mạng không phải do bài viết hay, nội dung hấp dẫn mà họ trả tiền cho trải nghiệm không muốn xem quảng cáo để đỡ khó chịu.

“Đã có những cơ quan báo chí tham gia vào chuỗi giá trị thương mại điện tử, bán hàng điện tử, kết hợp với doanh nghiệp đưa sản phẩm dịch vụ đến người xem báo” - ông Lâm dẫn chứng và cho rằng người làm báo thời điểm này không chỉ làm về nội dung mà cần có kiến thức về thương mại điện tử, quảng cáo, xu thế nguồn thu liên quan đến dòng tiền trên không gian mạng.

Liên quan đến vai trò của Nhà nước với nguồn thu báo chí, ông Lâm cho biết ngoài nhiệm vụ định hướng, đưa thông tin chính thức thì Nhà nước hoàn toàn có thể trở thành khách hàng lớn của báo chí. Một khách hàng lớn, khó tính nhưng vẫn đủ nguồn lực và sòng phẳng trong việc đặt hàng thông tin tuyên truyền, đặc biệt là trong việc truyền thông chính sách.

Toàn cảnh chuyên đề Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí được diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024. Ảnh: Nhàn Lê

Cách đây hơn một năm, khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 về công tác truyền thông chính sách, đã có sự chuyển biến rõ nét của cơ quan Nhà nước trong việc này. Phải xác định rõ truyền thông chính sách là trách nhiệm của Nhà nước, báo chí chỉ là một trong nhiều phương thức để truyền thông. Do đó, Nhà nước đặt hàng báo chí là hướng rất khả quan, sẽ làm thay đổi căn bản bên sử dụng dịch vụ là cơ quan Nhà nước và báo chí.

"Ngược lại, để có được nguồn thu từ cơ quan Nhà nước, báo chí cũng phải nâng mình lên để đón nguồn thu và được Nhà nước lựa chọn đặt hàng” – ông Lâm nhấn mạnh.

Đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đài

Tại buổi thảo luận, lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị giúp tăng nguồn thu cho báo chí.

Ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, đơn vị cũng gặp áp lực rất lớn về việc đa dạng nguồn thu khi tự chủ tài chính từ rất lâu. Toà soạn chia ra nhóm khách hàng mua báo hằng ngày, nhóm mua quảng cáo, nhóm là cơ quan Nhà nước. Từ các nhóm khách hàng riêng biệt, tòa soạn sẽ có những bước chăm sóc tốt nhất.

Ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ chia sẻ tại phiên thảo luận. Ảnh: Nhàn Lê

Cũng là cơ quan tự chủ tài chính, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long cho biết, đơn vị chia ra 2 mảng nội dung để đa dạng nguồn thu quảng cáo. Một mảng là các chương trình báo chí chính luận và một mảng giải trí. Dù đưa lên được tất cả các kênh để quảng bá, nhưng nguồn thu chính của đài vẫn từ giải trí chứ chưa có thu được từ mảng báo chí.

“Tôi kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước không khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình giải trí để các nhà đài có thêm nguồn thu. Cùng với đó, cho phép người dùng trả phí qua các nền tảng vì hiện đài phải thông qua công ty trung gian” – ông Tuấn bày tỏ.

Đặc biệt, vị giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long đề xuất được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đài. Hiện mức phí này là 20% trên lợi nhuận.

Ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long chia sẻ tại phiên thảo luận. Ảnh: Nhàn Lê

Còn ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập báo Người Lao Động bày tỏ mơ ước về sự trở lại của báo in.

“Xem thông tin trên điện thoại quá thuận lợi nhưng bị ảnh hưởng công nghệ cao và trí nhớ suy giảm. Chúng ta có quyền mơ về văn hoá đọc báo in quay lại nhưng sẽ mất nhiều thời gian. Vấn đề từ nay đến đó lấy gì để nuôi bộ máy trong bối cảnh cơ quan tự thu, tự chi, thu thì ngày càng giảm trong khi chi vẫn vậy. Đây là trăn trở rất lớn của lãnh đạo các cơ quan báo chí”, ông Tuân nói.