Nhà nghiên cứu Phan Đăng qua đời

TPO - Nhà nghiên cứu Phan Đăng - dịch giả cuốn địa chí đầu tiên của triều Nguyễn - qua đời lúc 23h45 ngày 31/10 tại Huế, hưởng thọ 76 tuổi.

Nhà nghiên cứu Phan Đăng - dịch giả và chú giải cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (cuốn địa chí đầu tiên của triều Nguyễn) - qua đời lúc 23h45 ngày 31/10 tại Huế, hưởng thọ 76 tuổi.

Nhà nghiên cứu Phan Đăng sinh năm 1949, quê Quảng Trị. Ông nguyên là giảng viên, Trưởng Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học, Đại học Huế) và là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên.

Nhà nghiên cứu Phan Đăng qua đời khuya 31/10 tại Huế.

Ông là nhà nghiên cứu uyên thâm Hán - Nôm, am tường văn hóa, lịch sử, có nhiều công trình nghiên cứu, dữ liệu sách, dịch và chú giải. Nhà nghiên cứu Phan Đăng là tấm gương trong học tập, truyền cảm hứng nghiên cứu cho nhiều thế hệ sinh viên, trong đó có nhiều tăng ni ở các trường Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Nhà nghiên cứu Phan Đăng từng giảng dạy ở Đại học Khoa học Huế và Học viện Phật giáo Huế với nhiều chuyên đề như văn học trung đại Việt Nam, Văn học Việt Nam thời Lý - Trần, Văn hóa Việt Nam, Văn học Phật giáo Việt Nam...

Cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chícủa tác giả Lê Quang Định do ông là dịch giả và chú giải đoạt giải A giải thưởng sách quốc gia năm 2022. Ảnh: Trung Việt.

Cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của tác giả Lê Quang Định do ông là dịch giả và chú giải đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 5 vào năm 2022. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, ra đời năm 1806 dưới thời vua Gia Long.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu đồ sộ trong nhiều năm của nhà nghiên cứu Phan Đăng, được xem là nguồn sử liệu quý giá, phục vụ nghiên cứu văn hóa, lịch sử cũng như địa lý dưới thời Nguyễn.

Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, ra đời năm 1806 dưới thời vua Gia Long.

Cuốn sách đồ sộ này được giới nghiên cứu đánh giá, nhiều vấn đề lớn của quốc gia như đường đi lối lại, luật pháp, chế độ đo lường, tiền tệ, phong tục tập quán lễ nghi, ăn mặc… đã được thể hiện rõ ràng, cho thấy khát vọng thống nhất đất nước được thể hiện mãnh liệt.

Khi được hỏi về sự khó khăn khi thực hiện công trình đồ sộ này, nhà nghiên cứu Phan Đăng từng chia sẻ ông phải vừa dịch chữ Hán vừa dịch chữ Nôm, rồi dịch đến địa danh, nhân danh, sản vật vùng miền khác nhau... Không chỉ vậy, có những sản vật vùng miền giống nhau nhưng lại có tên gọi khác, đòi hỏi vốn văn hóa rất lớn.

Tang lễ nhà nghiên cứu Phan Đăng được tổ chức tại tư gia (số 366 đường Phan Châu Trinh, An Cựu, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Lễ nhập quan được cử hành vào lúc 15h30 ngày 1/11. Lễ di quan được thực hiện lúc 10h ngày 5/11. Ông được an táng tại nghĩa trang Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.