Theo chính phủ, các đợt nắng nóng kéo dài trong năm nay đã dẫn đến thời kỳ khô hạn và nóng nhất của Trung Quốc trong 60 năm trở lại đây.
Tình trạng hạn hán cũng trở nên tồi tệ hơn trong những tuần qua với mực nước các con sông quan trọng giảm xuống mức thấp kỷ lục, và sản lượng thủy điện giảm do nhu cầu điện năng cao kỷ lục, điều này cũng dẫn đến khủng hoảng điện năng.
Tuân theo các quy tắc tiết kiệm điện, người dân đã phải tắt máy điều hòa hoặc sống không có điện, dẫn đến việc họ cố gắng tìm cách giúp họ mát mẻ bên ngoài ngôi nhà của mình.
Một trong những địa điểm đang nổi lên trong những tuần gần đây là một nhà hàng “hang động” ở thành phố Trùng Khánh, được cải tạo từ một hầm trú bom cũ. Người dân hiện có thể dùng bữa tại nhà hàng, cách ánh mặt trời thiêu đốt tới 30 mét.
Việc thiếu hụt lưu lượng nước tới các hệ thống thủy điện tỉnh Tứ Xuyên được các nhà chức trách mô tả là một “tình huống nghiêm trọng”. Các khu vực phụ thuộc vào thủy điện đang yêu cầu các văn phòng và nhà máy hạn chế sử dụng điện, dẫn đến thua lỗ và thậm chí một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa.
Cư dân ở Tứ Xuyên được yêu cầu để điều hòa nhiệt độ của họ trên 26 độ C, trong khi các nhà ga đường sắt và địa điểm công cộng khác đã tắt đèn lúc không cần thiết. Bến Thượng Hải mang tính biểu tượng của Trung Quốc cũng tắt đèn trang trí vào thứ Hai và thứ Ba (22 - 23/8) để tiết kiệm điện.
Doanh số bán hàng cho nước lạnh, kem và đá khối cũng đã tăng vọt ở Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đã quyết định tránh nóng trên ghế mát-xa trong các trung tâm mua sắm.
Hạn hán cũng đã gây ra tình trạng thiếu nước ở một số khu vực, đặc biệt là khi con sông Dương Tử quan trọng đang khô cạn, buộc các nhà chức trách phải gấp rút cung cấp nước uống cho người dân. Tại tỉnh Hồ Nam, các xe cứu hỏa đang được sử dụng để cung cấp nước.
Ở nhiều vùng khác, những khối băng lớn đang được tận dụng để hạ nhiệt, nhân viên để chúng cạnh bàn làm việc trong văn phòng của họ, và những người trông coi vườn thú cung cấp chúng cho gấu trúc.
Hạn hán và nắng nóng cũng khiến mùa màng héo úa, và chính phủ đang vật lộn để tìm cách bảo vệ vụ thu hoạch lúa mùa thu, mùa vụ chiếm 75% tổng sản lượng hàng năm của Trung Quốc. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, cơ quan khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc, đã phát hiện ra rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng.