Nhà điêu khắc Đào Châu Hải - họa sĩ Đinh Phong: Cuộc đối thoại giữa điêu khắc và hội họa

TPO - Nhà điêu khắc gạo cội Đào Châu Hải cho biết, ông sử dụng máy đục ở mức độ khác nhau khi sáng tác. Các tác phẩm đặc sắc mới nhất của ông bày chung trong triển lãm cùng họa sĩ Đinh Phong.

Triển lãm nghệ thuật khai mạc tối 21/5 tại Art Space (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chính là cuộc đối thoại giữa điêu khắc và hội họa của nhà điêu khắc nổi tiếng Đào Châu Hải và họa sĩ Đinh Phong.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải giới thiệu một số tác phẩm nằm trong loạt điêu khắc mới nhất của ông. Những tác phẩm này là sự nghiên cứu về hình thể và không gian mang phong cách trừu tượng hình học đặc trưng của Đào Châu Hải và rất phù hợp với chất liệu đá có kích thước trung bình (từ 1,5m trở xuống).

Một trong số tác phẩm mới nhất của Đào Châu Hải. Ảnh: THÙY DƯƠNG

Một trong những thể nghiệm kỹ thuật đáng chú ý lần này của Đào Châu Hải là việc sử dụng máy đục ở các mức độ khác nhau đối với từng tác phẩm cụ thể. Đôi khi ông giữ lại sự dang dở của khối đá, đôi khi là bề mặt ngẫu nhiên các mũi khoan máy để lại, các phần gia công sau cùng quyết định bởi chất liệu của các loại đá khác nhau như đá sa thạch vàng, đá granite đen, trắng, xám…

Theo nhà phê bình Nguyễn Quân: “Nghệ sĩ và nghệ thuật Đào Châu Hải, với tôi, là một thứ chủ nghĩa toàn hảo khắc nghiệt”.

Bạn bè tới ủng hộ nghệ sĩ Đào Châu Hải. Ảnh: THÙY DƯƠNG

Ở những tác phẩm trừu tượng cỡ trung bằng đá Ninh Bình bày lần này, người yêu nghệ thuật có thể cảm nhận được sự toàn hảo khắt khe giữa bố cục lớn, kết cấu phong phú mà rất mạch lạc chất đá, bề mặt, gờ mép, góc khuất bóng đổ… mọi chi tiết chi li nhất đều phải đâu vào đấy.

Một góc không gian triển lãm. Ảnh: THÙY DƯƠNG

Với họa sỹ Đinh Phong, đây là cuộc triển lãm lần thứ 3. Chỉ mới một năm trước ông là người mới toanh “nhập cư” vào làng mỹ thuật, tuy nhiên lại sở hữu số lượng tác phẩm đồ sộ. Ông như một “cuồng sĩ” khi chỉ trong một năm mà đã có thể sáng tác được hơn 100 tác phẩm khổ trung và khổ lớn, bình bình cứ mỗi tuần 2-3 bức. Từ “không biết vẽ” thành “chỉ biết vẽ” trong có 1000 ngày liệu có khả thi trong hoàn cảnh nghệ thuật đương đại ở Việt Nam ta?

Ở triển lãm lần này, Đinh Phong bày những bức tranh acrylic khổ lớn và những tác phẩm điêu khắc-các chuỗi liên kết hợp phức cảm chồng chéo bằng chất liệu gốm, kim loại đồng được tạo với mục đích đạt được sự thống nhất giữa thế giới nội tâm và ngôn ngữ của chất liệu.

Cuộc đối thoại giữa điêu khắc và hội họa. Ảnh: THÙY DƯƠNG

“Tôi thấy những nỗ lực xoay chuyển, tự vấn, tự thách thức mình của một nghệ sĩ chín chắn, quyết luyện chắc tay nghề không ngại đối sánh với tranh tượng cùng loại như mình để né dấu chân quen rồi rẽ lối đi riêng trong khu rừng nghệ thuật. Đó là sự rất dũng cảm”, nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét. Có thể thấy, tranh của Đinh Phong đang chuyển mình lớn lên từng ngày bằng chính sự nỗ lực và niềm đam mê nghệ thuật của ông.

Đinh Phong không phải là một nghệ sĩ được đào tạo mỹ thuật bài bản, song theo nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân “Đinh Phong có tâm thức hành nghề dứt khoát và chuyên nghiệp, không có giai đoạn quá độ như số đông tự học. Với tâm thức duy lý siêu hình, Đinh Phong bập ngay vào thể loại thời thượng, cổ điển và trừu tượng. Dường như đã nằm lòng những nguyên lý về form (hình dạng) của thể loại này nên không có vấp váp tạo hình nào trên mặt tranh. Bố cục hai chiều, không gian ba chiều, liên kết đường nét, chuyển biến của khối và nhịp điệu tạo hình rất chững chạc, chỉn chu, có cân nhắc kỹ lưỡng”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (đứng giữa), Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chúc mừng hai nghệ sĩ. Ảnh:THÙY DƯƠNG

Ông đánh giá tranh của Đinh Phong: có bức gợi một hố khảo cổ đất vàng sền sệt, vương vãi các hiện vật mỹ thuật gốm, sứ, đá, gỗ đang ánh lên trong bóng chiều tà. Có bức như giàn hoa, đàn chim, đàn bướm trong vườn đẹp nhẹ nhàng. Có bức đơn giản như trò chơi xé giấy màu tung lên một vùng ánh sáng. Trường liên tưởng khá rộng là thành công của mỗi tác phẩm trừu tượng”.

Một điều thú vị ở nghệ thuật của Đinh Phong là ông tạo ra những tác phẩm điêu khắc lấy cảm hứng từ chính tranh vẽ của mình. Nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng dù đồng dạng với các hình khối trong tranh nhưng chúng không phải là những mẫu vật hay sự minh họa cho tranh mà mở rộng thêm ra không gian nghệ thuật của nghệ sỹ.