Câu chuyện đề xuất cải cách tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền bị không ít người phản ứng, không đồng tình, trong đó việc nhiều người "ném đá", tấn công cá nhân ông Bùi Hiền với những ngôn từ không đẹp lại đặt ra nhiều điều đáng suy ngẫm.
Dưới đây là góc nhìn của nhà báo NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG về vấn đề này.
Tôi từng phải mất vài phút để quyết định post nguyên cả clip chàng trai đòi công bằng cho mình tại sân bay trong stt LÒNG DŨNG CẢM DÂN SỰ trên Facebook. Tôi không hề thích cái cách biểu hiện của nhân vật đó, thậm chí dị ứng nhiều chỗ, nhưng tôi nhắc mình cần công bằng trong cái điều hướng tới: Mình đang cổ vũ cho một xã hội văn minh hơn và mọi người dân, tức dân chúng, phải được biểu lộ chính kiến đúng đắn của mình.
Mà dân chúng, làm truyền thông, tôi biết rằng họ không phải là khối đồng nhất, không thể như phim: Đẹp đẽ, nhân ái, trí tuệ. Dân chúng, số đông, là sần sùi, thật thà cộng man trá, đẹp đẽ lẫn xấu xa, sâu sắc lẫn cực kỳ nhẹ dạ, dễ bị lôi kéo theo cảm xúc bề mặt của số đông. Lúc đó họ nông cạn và hời hợt đến đáng chán.
Công việc của tôi là phải hiểu và tự mình chấp nhận đám đông có xấu và tốt ấy. Nhưng nói thế thôi, chấp nhận cái khác mình thường không dễ dàng gì. Đa phần tôi vẫn yêu ghét trong mê muội. Mới hiểu, mình phải luôn cần cố gắng.
Mấy ngày nay, vụ nghiên cứu cải cách chữ viết làm tôi quá bực mình. Thoạt đầu tôi bực người nghiên cứu: Rảnh quá đi. Nhưng sau, tôi khó chịu tới điên khi đọc bất cứ câu nào được phiên dịch bằng chữ cải tiến như trong nghiên cứu. Rồi tôi thật sự khó chịu khi người ta quay ra chửi rủa, thật ra là nguyền rủa, nặng nề người đưa ra ý tưởng này. Đủ mọi thứ lý luận, đủ mọi thuyết âm mưu... Chửi và lập cả "bia mộ" cho ông.
Tới đây tôi thấy sợ.
Xã hội đang khát khao cái mới. Cái thay đổi. Cái giải pháp khác hơn...
Nhưng con người cũng vì vài thứ cảm xúc và ngờ vực, sẵn sàng đập tan ý tưởng khác hơn tiếng nói hoặc cách mà mình suy nghĩ. Họ đập luôn bất cứ ai muốn ủng hộ tự do nghiên cứu và suy nghĩ... Chỉ vì nó không giống mình.
Xin thưa, cái nghiên cứu và đề xuất này đến 80 năm nữa chưa chắc đưa vào xem xét được nhưng trong cuộc đời, một người có chí hướng đàng hoàng, dám bỏ 40 năm đeo đuổi ý tưởng của mình có đáng được tôn trọng không? Theo tôi là đáng khen.
Tôi coi vài phỏng vấn, thấy ông chỉ muốn rút gọn chữ Việt để tiết kiệm thời gian và tiền của cho xã hội thôi mà. Nếu ta đủ khôi hài, hãy trao giải ignobel cho ông đi và khuyến khích chung quanh mình: Suy nghĩ khác người đi!
Nói thế thôi. Đó là câu chuyện xã hội, tôi cũng thích ông nhưng chưa chắc tôi dám bảo ai đó theo ông. Tôi sẽ sợ, dù tôi muốn xã hội phải luôn đổi mới.