> Phát triển toàn diện cho giới trẻ
Từ “nhìn đểu” đến án mạng
Ngày 2-11, Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố Mai Anh Tuấn (21 tuổi, trú ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) về hành vi giết người. Theo điều tra ban đầu, tối 22-10, Nguyễn Quang Hào (33 tuổi, trú ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm) đi ôtô chở bạn tên Sơn ngang qua chỗ Tuấn đang nói chuyện với bạn ở vệ đường.
Cho rằng Tuấn và bạn nhìn đểu mình, Sơn xuống xe, lao vào chửi bới, rút dao bấm đâm Tuấn. Trong lúc giằng co, Tuấn giật được dao của Sơn và đâm lại, khiến anh này tử vong.
Trước đó, đêm 18-9, khi cùng anh trai là Nguyễn Xuân Vĩnh (SN 1971) và nhóm bạn đồng hương ăn cơm tại khu vực chợ Kim Liên, anh Nguyễn Xuân Toán (trú ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) bị hai thanh niên đến gây sự vì lý do “nhìn đểu”. Anh Vĩnh bị đối phương túm tóc, tát vào mặt. Hai thanh niên này còn dùng dao, kéo tấn công, trong lúc hỗn chiến, anh Toán bị đâm nhiều nhát vào người, dẫn đến tử vong.
Trên đây là hai trong rất nhiều trường hợp thanh thiếu niên sử dụng bạo lực, hung khí nguy hiểm để xử lý những va chạm, xích mích nhỏ.
“Hổng quá nhiều giá trị truyền thống”
Giới trẻ hổng quá nhiều giá trị truyền thống - đó là kết quả của đợt nghiên cứu hiện tượng “Bạo lực hoá trong giới trẻ” do Bộ môn tâm lý, Đại học Luật Hà Nội vừa thực hiện mới đây. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân phạm tội của 110 bị can vị thành niên trong các vụ án tiêu biểu, các chuyên gia nhận thấy hơn 70% trường hợp phạm tội là thành viên trong gia đình “có vấn đề”.
Theo Tiến sỹ tâm lý Dương Thị Loan, Phụ trách bộ môn Tâm lý (Đại học Luật Hà Nội), hầu hết vị thành niên phạm tội đều có bố mẹ, anh chị em ruột từng phạm tội hoặc bố mẹ ly thân, ly hôn. Dễ thấy các thanh thiếu niên này mất đi điều kiện giáo dục cao nhất, quan trọng nhất, đó là gia đình.
Lý giải “những cái đầu nóng” trong giới trẻ, tiến sỹ Loan phân tích, lứa tuổi từ 13 đến 17 được coi là giai đoạn khủng hoảng nhân cách; thanh thiếu niên rất dễ có những xử sự hoặc hành vi lệch lạc. Theo bà Loan, một trong những căn nguyên quan trọng, chính là việc giới trẻ đang thiếu hụt nghiêm trọng các kiến thức chuẩn mực, mang tính chính thống.
“Đây đó vẫn còn có những gia đình, những phụ huynh mải mê kiếm tiền, bỏ rơi sự phát triển nhân cách của con cái. Đây đó vẫn còn có những nhà trường, những giáo viên mải mê dạy thêm, bỏ rơi việc giáo dục, dạy học, dạy làm người cho các học trò của mình” - tiến sỹ Loan nói.