> Kiều Bích Hương, vợ Đông của chồng Tây
“Cây tới mùa nó thay lá, quả tới mùa nó chín. Mọi người dường như muốn một thứ quả cứ xanh mãi. Điều đó hơi trái tự nhiên, như thể một dòng sông không chảy được vậy đó. Nhà văn đã đi rất là xa, mà bạn đọc cứ ngồi mãi một chỗ cũ, cứ mong chờ như mình vẫn còn ở đó, trong khi một nhà văn thì luôn phải đi tới, bỏ những hào quang lại sau lưng”, Nguyễn Ngọc Tư nói.
Trước đó, một phóng viên hỏi: “Từ Cánh đồng đến dòng Sông, chị mang theo cái gì, để lại cái gì?”. Chị cười bảo: “Tôi để lại cánh đồng”.
Buổi trò chuyện ra mắt sách chủ đề “Từ Cánh đồng đến Dòng sông”của nhà văn nữ Cà Mau vào chiều 18-9 là một trong những hoạt động nổi bật của Hội chợ sách quốc tế lần thứ 4 ở Hà Nội, diễn ra tại Triển lãm Giảng Võ.
Không những thế, Sông, tiểu thuyết đầu tiên của cây bút rất thành công với truyện ngắn này, còn được đánh giá là một trong những cuốn sách đáng chú ý nhất trong năm của văn chương Việt Nam.
Tóm lại, một vài nhận định cứ nhất định “xếp chiếu” cao cho tác giả và tác phẩm. Trong buổi ra mắt sách, nói về việc chị Tư lần đầu viết tiểu thuyết sau khi ghi danh trong làng văn với truyện ngắn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp - bậc thầy truyện ngắn, lúc ông chuyển sang viết tiểu thuyết hơn 10 năm trước.
Ý đồ so sánh khá rõ ràng, tuy nhiên không có ý ví tiểu thuyết của Tư như tiểu thuyết của Thiệp (“tiểu thuyết là bước lùi của Nguyễn Huy Thiệp” - Phạm Xuân Nguyên).
Nhờ ông Nguyên mở đường, tôi mới đánh bạo hỏi Nguyễn Ngọc Tư một câu, đại ý: “Có người, cũng là dân viết lách và đọc sách, bảo rằng, trước đây thì là Nguyễn Huy Thiệp lớn nhất văn đàn, bây giờ phải là Nguyễn Ngọc Tư. Chị nghĩ sao?”.
Nhận định này tôi nghe từ nhiều vị cả già lẫn trẻ trong làng văn làng báo, là lời nói sau lưng nên chắc chắn chân thật. Chị Tư bảo: “Nghe cảm động quá, nhưng đó là nhận định riêng của người đó thôi. Tôi rất ngại khi mọi người xếp mình ngồi chiếu này chiếu kia, trong khi mình chỉ muốn thích ngồi chiếu nào thì ngồi, thích nhậu chiếu nào thì chạy sang chiếu đó”. Mọi người cười.
“Xếp chiếu như vậy tình đồng nghiệp có chút ít sứt mẻ”, chị bảo.
Còn một mong muốn nữa của chị Tư không thành hiện thực, ngoài chuyện bị xếp chiếu. Mở đầu buổi ra mắt sách, chị bảo: “Mọi người hãy hỏi một lần một câu thôi. Hỏi dễ như kiểu Chị có yêu hòa bình, ghét chiến tranh không. Những câu kiểu đó tôi rất thích”.
Nhưng MC Phạm Xuân Nguyên và khán giả thích hỏi câu khó. Ông Nguyên hỏi: “Tư có cảm tưởng thế nào về những phim, kịch chuyển thể từ truyện của mình. Nếu Sông có người hỏi mua để làm phim, em có bán không?”. Vì khó, chị Tư… không trả lời.
Theo Ngô Thảo, Nguyễn Ngọc Tư là “một nhà văn cứ liên tục làm khổ các biên kịch, nhà làm phim”, nhưng nhà báo kỳ cựu Hàm Châu lại nói ở cuối chương trình, rất chân tình: “Đọc văn Nguyễn Ngọc Tư không thấy lóe lên chút ánh sáng yêu đời nào. Trong Sông, tôi không chia sẻ được tâm hồn với nhân vật nào. Ảm đạm quá. Các nhân vật hơi lạ thường, kỳ dị, không phổ quát trong xã hội. Một tài năng như Nguyễn Ngọc Tư nên viết tươi sáng hơn”.
Đáp lời ông, nữ nhà văn bảo: “Cháu không hứa được”.
Một Nguyễn Ngọc Tư hơi khác ở trong “Sông”
“Sông” của Nguyễn Ngọc Tư ra mắt giữa Thủ đô, có tác giả kí tặng và dành tròn cả một buổi giao lưu hai tiếng. Nguyễn Ngọc Tư mộc mạc bề ngoài, tít mắt cười tươi sau mỗi câu hỏi, ban đầu còn ngập ngừng, càng về sau càng say chuyện.
“Sông” theo thú nhận của Nguyễn Ngọc Tư rất buồn và yếm thế. “Vậy Sông còn Tư có chút nào lấp lánh ở bên trong?”. Tư đáp: “Cuốn tiểu thuyết tổng thể buồn. Giống như xem một bộ phim nếu buồn từ đầu tới cuối thì buồn chết, người xem sẽ nản. Sông của tôi có chi tiết hóm hỉnh. Đến đoạn nặng nề tôi cũng pha loãng nó ra, cho độc giả được thư giãn”.
Phòng Hội thảo chuyên đề sách được làm riêng tận gian A7 của Triển lãm Giảng Võ, độc giả đến giao lưu với Nguyễn Ngọc Tư chật kín người. Nhân viên phải kê thêm 3 hàng ghế phụ phía sau. Nửa số người đến nghe Tư đều là những bậc cao niên. Giới trẻ thì cũng đọc rất kĩ Nguyễn Ngọc Tư , một độc giả học Trường viết văn Nguyễn Du đã dành tới mười phút chỉ để nói về cuốn “Sông”.