Trong cùng thời điểm đó, khi lấy mẫu xét nghiệm của đàn gia cầm trong gia đình, cũng dương tính với cúm A/H5N1. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư lo ngại sự kết hợp của hai loại virus H1N1 trên người với virus H5N1 trên gia cầm và trên người thành chủng mới có tốc độ lây lanh nhanh như H1N1 và có độc lực mạnh như H5N1.
Liên quan đến cúm A/H5N1, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Quỹ Henry Jackson Foundation (Mỹ) vừa khởi động dự án “Nghiên cứu tỷ lệ lưu hành kháng thể kháng virus H5N1 ở người tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và Tiền Giang”, với kinh phí thực hiện hơn 1,6 triệu USD, trong thời gian từ nay đến tháng 9-2010.
Dự án này nhằm xác định tỷ lệ nhiễm virus H5N1 trong huyết thanh người ở cộng đồng thông qua việc lấy mẫu máu 12.000 người, phân tích và lập ngân hàng mẫu máu. Đây là nghiên cứu về cúm A/H5N1 quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.
Hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, đã nhận được các cam kết tài trợ với tổng số 180 triệu liều vaccine. 17 quốc gia tại khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO sẽ được nhận vaccine từ cam kết tài trợ này. Trong đó, Việt Nam sẽ được cấp 1,2 triệu liều vaccine ArepanrixTM ngừa cúm A/H1N1, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 2% dân số trong nước.
WHO dự kiến chuyển vaccine trong khoảng thời gian từ ngày 9-12-2009 đến tháng 2 -2010. WHO đã kiểm định ArepanrixTM dựa trên quy trình chuẩn và các thông tin về chất lượng và độ an toàn của vaccine được cung cấp trong hồ sơ.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), cho biết khoảng 800.000 phụ nữ có thai trên bốn tháng tại Việt Nam sẽ được tiêm vaccine trong số 1,2 triệu liều được hỗ trợ.