Suy đa phủ tạng vì điều trị cúm muộn
Đây chính là nguyên nhân khiến dù số bệnh nhân nặng không nhiều -trong số hàng nghìn người bị cúm chỉ có một vài bệnh nhân nặng, song tỷ lệ tử vong lại rất cao. Bệnh cảm cúm là một trong những căn bệnh phổ biến, không chỉ với trẻ em, người già mà cả người trưởng thành cũng dễ mắc bệnh cảm cúm khi thời tiết thay đổi. Khi bị cảm cúm, đa số mọi người thường bỏ mặc hoặc tự điều trị bằng thuốc, thậm chí có người còn sử dụng cả kháng sinh để bệnh nhanh khỏi. Việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị cảm cúm thường không mang lại kết quả, có khi còn để lại hậu quả nhờn kháng sinh trong điều trị bệnh sau này. Bệnh cúm theo mùa có khả năng lây lan thành dịch, nhất là một số chủng cúm A như H5N1, H1N1... rất phổ biến.
Do con người chưa kịp thích nghi với những chủng virus cúm mới nên chưa có sự chống đỡ khiến phổi bị phá hủy rất nhiều, đồng thời gây ra suy đa tạng. GS Bình dẫn chứng, cho đến năm 2005, cúm A/H5N1 gây tỷ lệ tử vong trên thế giới vẫn rất cao, khoảng 80% trong các trường hợp nặng, suy hô hấp phải thở máy và những trường hợp đó tỷ lệ tử vong rất cao. Cúm A/H1N1 cũng tương tự như vậy.
GS Bình cho biết thêm, việc phân biệt cúm A/H5N1, H1N1, H3N2, đối với bản thân bác sĩ cũng không dễ. Các triệu chứng lâm sàng của cúm sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan... hoàn toàn giống nhau và chỉ khác là nếu đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì mới đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp CT phổi để xác định xem bệnh nhân có nhiễm cúm hay không, có tiến triển nặng hay không để có kế hoạch điều trị cụ thể. Nhiều khi người bệnh thường chủ quan, nghĩ là cảm cúm thông thường không đến bệnh viện; đến khi cơ thể không chịu nổi mới tới bệnh viện, lúc đó cơ thể đã bị tàn phá quá nhiều với hội chứng suy sụp đa phủ tạng. Dù với hệ thống máy móc hỗ trợ tim, phổi, gan, thận có nhiều nhưng tỷ lệ tử vong là khá cao. Các bác sĩ khuyến cáo, dù không nhất thiết phải đến bệnh viện ngay ngày đầu nhưng bệnh nhân và người thân khi thấy bệnh trở nặng thì phải đến các cơ sở y tế để có các thiết bị chẩn đoán, theo dõi được tốt hơn.
Vắc-xin phòng cúm hiệu quả
GS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết: “Phòng chống cúm là vấn đề không đơn giản, vì bệnh cúm lây qua đường thở. Trong khi đó, phòng bệnh cho các trường hợp lây qua hô hấp là rất khó vì chỗ đông người thì chỉ cần một người trong số đó có các biểu hiện cúm, hắt hơi, virus cúm sẽ đi theo các giọt bắn nhỏ của nước bọt ấy có thể văng xa đến nhiều mét. Con người đi qua hít phải cũng không biết được. Hiện nay chúng ta hay làm việc trong các tòa nhà văn phòng nên nguyên tắc là cần phải thông gió, có luồng khí đi vào và đi ra. Nếu bị cúm, người bệnh cần đeo khẩu trang và thông báo cho đồng nghiệp biết để phòng người bệnh ho, hắt hơi văng bọt nước ra người khác. Đây là những biện pháp rất đơn giản để phòng bệnh. Khi trong phòng kín, một người nhiễm virus cúm sẽ mang virus vào và phát tán trong khu vực đó, làm người khác rất dễ nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Văn phòng cần được mở cửa đón ánh nắng vào vì virus cúm rất sợ ánh nắng mặt trời. Ánh nắng mặt trời tiêu diệt được rất nhiều loại virus trong đó có virus cúm”.
Các bác sĩ khuyến cáo những người nào bị cúm thì nên chủ động hạn chế đến chỗ đông người, đeo khẩu trang đúng quy cách. Đây là việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều người lại không đeo, đến khi ho, hắt hơi những người xung quanh hít phải rất đáng lo ngại.
Ngoài ra, các đối tượng mắc bệnh đái tháo đường, hoặc người có dùng thuốc ức chế miễn dịch… cần chủ động tiêm phòng cúm trước khi mùa đông đến. GS Bình khẳng định, các tác dụng của tiêm phòng virus cúm cho những người bệnh phổi mạn tính, những người già yếu, người mắc đái tháo đường, hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, với phụ nữ mang thai vẫn rất hiệu quả.
Kỹ thuật mới cứu sống bệnh nhân cúm nặng
GS.TS Nguyễn Gia Bình cho hay: “Từ mong muốn cứu sống được nhiều người bệnh, chúng tôi đã học hỏi và ứng dụng các công nghệ mới, kỹ thuật mới. Ví dụ như chiến lược thở máy mới, các chiến lược về sử dụng kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể với trường hợp nặng, phổi tổn thương nhiều quá thì các bác sĩ lấy máu ra cho chạy qua máy sau đó trộn với oxy rồi bơm vào người trong khoảng 2-3 tuần có thể cứu được bệnh nhân. Mặt khác, để giảm được các tổn thương phổi thì nhờ các ý tưởng trong quá trình tìm tòi nghiên cứu các bác sĩ Trung tâm Hô hấp đã phát hiện ra là để làm giảm bớt các tổn thương phổi nặng thì loại bỏ các chất độc do cúm gây ra bằng các công nghệ lọc máu giúp tổn thương phổi nhẹ đi. Cho đến nay kỹ thuật này áp dụng khá thành công cho các bệnh nhân nặng. Phương pháp lọc máu khiến các phản ứng viêm giảm bớt làm cho phổi và các tạng trong cơ thể giảm xuống, tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống nâng lên rất nhiều. Ngoài ứng dụng điều trị cúm, còn ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh khác và đó thực sự là cuộc cách mạng trong hồi sức.