Nguồn bệnh COVID-19 từ người nhập cảnh hợp pháp là nguy hiểm nhất

TP - “Chúng ta đã xác định nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp là nguy hiểm nhất. Trên chuyến bay giải cứu, chúng ta không biết chắc có người nhiễm COVID-19 hay không…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chiều 7/12.
Công tác khử khuẩn trên một chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Ảnh minh họa

Chiều 7/12, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Bộ Y tế cho biết, trên các chuyến bay giải cứu và đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao từ nước ngoài vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới, có tình trạng hành khách không tuân thủ quy định phòng chống dịch, như không đeo khẩu trang. Vì vậy, đề nghị có giám sát bằng camera để xử lý nghiêm những người vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại: “Không làm chặt chẽ, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tất cả các bộ, ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý của mình. Đây là thời kỳ cao điểm”.

Trong khi đó, tại các tỉnh biên giới vẫn phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp không thực hiện cách ly, phòng chống COVID-19 theo quy định. Do đó, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, trong khi thời điểm cuối năm, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, về nước của người dân rất lớn.

Qua kiểm tra, làm việc tại các địa phương, một số thành viên Ban Chỉ đạo nêu thực tế công tác phòng chống dịch tại cấp tỉnh được nhận thức, quán triệt đầy đủ, nhưng ở cấp thấp hơn có tâm lý chủ quan do một thời gian dài không có dịch. Một số nơi có biểu hiện lơi lỏng trong giám sát y tế đối với người hết thời gian cách ly tập trung. Đây là nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, phải kiên quyết ngăn chặn.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, tình huống lây nhiễm COVID-19 ở TPHCM cơ bản đã được kiểm soát, nhưng cần phân tích kỹ nguyên nhân để có giải pháp thiết thực, hiệu quả, tránh trường hợp tương tự xảy ra. “Chúng ta đã xác định nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp là nguy hiểm nhất. Trên chuyến bay giải cứu, chúng ta không biết chắc có người nhiễm COVID-19 hay không, nên các biện pháp phòng chống dịch phải thực hiện như trong bệnh viện. Mọi vi phạm phải xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng nói. 

Dự kiến tiêm vắc-xin từ  5/2021

Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trên người, cho biết, vắc-xin của Nanogen dự kiến mất khoảng 6 tháng để thử nghiệm lâm sàng trên người, chia thành ba giai đoạn, đến tháng 5/2021 có thể đưa vào tiêm chủng.

Theo đó, từ ngày 10/12 sẽ tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng. Trong thử nghiệm giai đoạn một, công ty phối hợp Học viện Quân y tuyển chọn 60 tình nguyện viên để tiêm vắc-xin. Nhóm này sẽ được chia nhỏ thành 3 nhóm để tiêm thử hàm lượng vắc-xin khác nhau gồm: 25 mg, 50 mg và 75 mg. Toàn bộ quy trình thử nghiệm giai đoạn một sẽ kéo dài trong một tháng. Trước mắt, sẽ tiêm cho 20 người đầu tiên. Giai đoạn hai, thử nghiệm trên quy mô 600 người, trong thời gian 2-3 tháng. Hiện chưa rõ số lượng tình nguyện viên trong giai đoạn ba.

Công ty Nanogen có thể sản xuất 30 triệu liều vắc-xin COVID-19 mỗi năm với giá khoảng 100.000 đồng một liều. Mỗi liều tiêm 2 mũi, cách nhau nửa tháng.