> Thương lái Trung Quốc lén lút mua cá tại Nha Trang
Số lao động này đều núp bóng khách du lịch, cứ gần đủ 3 tháng hết hạn quy định theo luật Việt Nam họ lại về nước thay người khác sang. Sắp tới tỉnh Khánh Hòa sẽ kiến nghị với các nhà làm luật nên quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý lao động là người nước ngoài để tránh tình trạng đáng tiếc đang xảy ra ở các địa phương của tỉnh.
Theo ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh đã nhận được văn bản kết quả kiểm tra, xử lý của TP Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang về hoạt động của người nước ngoài trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.
Báo cáo của UBND thành phố Cam Ranh cho biết, đến thời điểm hiện nay có 6 người nước ngoài (cụ thể là người Trung Quốc) đang lao động và cư trú có hộ chiếu nhập cảnh vào Việt Nam, có giấy phép cư trú hoạt động các ngành nghề nuôi trồng thủy sản, thu mua hải sản.
Tuy nhiên, những người này chỉ có hộ chiếu, thị thực nhập cảnh hoặc thực hiện theo các hợp đồng (không phải hợp đồng lao động), đa số không có lý lịch tư pháp, chứng chỉ chuyên môn, giấy khám sức khỏe.
Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại Cam Ranh sử dụng lao động là người nước ngoài, để họ tự do ăn ở, đi lại trên khu vực biên giới biển và nội địa.
Đây là hệ quả của việc quản lý, kiểm soát của các đơn vị không sâu sát, nhiều sơ hở, gây khó khăn trong quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, phòng ngừa xâm phạm an ninh, trật tự xã hội.
Liên quan đến Công ty Song Phong nuôi cá trên vịnh cam Ranh, năm 2009, UBND thị xã (cũ) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại nguyên trạng ban đầu.
Tuy nhiên, xử lý vi phạm chưa triệt để dẫn đến việc Công ty Song Phong chưa thực hiện việc khôi phục lại nguyên trạng mà còn mở rộng hơn. Đến nay UBND thành phố vẫn chưa quyết định có di dời bè cá này đi nơi khác hay không.
UBND TP Cam Ranh đã kiểm tra, phát hiện tại 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có 7 người nước ngoài (quốc tịch Trung Quốc) lưu trú vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú, đi lại không đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
UBND TP Cam Ranh đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở doanh nghiệp nói trên với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng, Công an tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt 7 người nước ngoài nêu trên với tổng số tiền là 82 triệu đồng và buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Lãnh đạo UBND TP Cam Ranh thừa nhận, việc nhận thức các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới biển và quản lý người nước ngoài tại Việt Nam của chính quyền TP, các ngành liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, lúng túng trong xử lý vi phạm.
Chính những sơ hở trong quản lý và quy định của Nhà nước Việt Nam nên lao động nước ngoài có cơ hội lách luật.
Trước đó, tại cuộc họp với UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ nhiệm UB quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa không cho phép nuôi trồng thủy sản ở vùng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Đối với việc cấp phép lao động, kinh doanh cho người nước ngoài cũng cần xem xét chặt chẽ. Ông Khoa còn đề nghị Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Khánh Hòa dừng ngay việc cho phép Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong được cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài bởi chưa có văn bản, thông tư, hướng dẫn pháp luật nào cho phép Sở Lao động được quyền ủy nhiệm lại việc cấp phép cho một đơn vị là Khu kinh tế.
Theo Hải Anh
dantri.com.vn