Đường về Mường Nhé
Mường Nhé - một huyện miền núi khó khăn, xa nhất của tỉnh Điện Biên, là nơi đoàn hành trình chọn tổ chức các hoạt động về nguồn, an sinh xã hội ý nghĩa. Chiều 24/4, đoàn đại biểu 70 cán bộ, hội viên, sinh viên tiêu biểu trên mọi miền đất nước bắt đầu xuất phát tại Hà Nội để hội quân về TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Nơi đầu tiên đoàn dừng chân là Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Tại đây, đoàn hành trình kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; quân và dân cả nước đã anh dũng chiến đấu hy sinh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau lễ thắp hương, tưởng niệm, các đại biểu tiếp tục hành trình 6 giờ đồng hồ trên những con đèo quanh co, khúc cua tay áo để đến với Mường Nhé. Rạng sáng hôm sau cả đoàn mới đến nơi.
“Hành trình “Sinh viên với khát vọng non sông” không chỉ là trải nghiệm mà qua đó giúp bản thân tôi gặt hái được nhiều thông tin, kiến thức về lịch sử của đất nước, bồi đắp niềm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Đây chính là động lực “đốt trong” để khơi dậy khát vọng cho mình và biến khát vọng đó trở thành hành động cụ thể, cũng như lan tỏa niềm tự hào về một dải non sông của Tổ quốc”.
Trương Văn Hoài Khanh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM
Chỉ ngả lưng vài tiếng đồng hồ, sáng sớm đoàn hành trình nhanh chóng triển khai loạt hoạt động an sinh xã hội tại Trường PTDT bán trú tiểu học Nậm Vì, xã Nậm Vì. Ngay trong buổi trưa cùng ngày, đoàn tiếp tục băng núi, vượt đèo từ xã Nậm Vì đến xã Sín Thầu để chinh phục cột mốc A Pa Chải - điểm cực Tây của Tổ quốc.
Hành trình đến cột mốc không ít gian nan, bởi đường đi rất cheo leo, những ổ voi, ổ gà, sỏi đá trên đường khiến chiếc ô tô chở đoàn nhiều lúc nghiêng ngả. Quãng đường khó khăn nhất là gần 5 km cuối để tiếp cận cột mốc. Đó là con đường nhỏ cheo leo chỉ rộng chừng 1 mét, một bên là núi, một bên là vực, với những con dốc dựng đứng. Đi trên con đường này chỉ có 2 cách: đi bộ hoặc xe máy số.
Tôi và các đại biểu được “tăng bo” bằng xe máy do các anh bộ đội biên phòng lái. Xe sau gần như không nhìn thấy xe trước vì những khúc cua che lấp tầm nhìn, các lái xe chỉ nhận ra nhau để tránh qua tiếng xe máy kêu gằn. Cứ một đoạn trên đường lại có ụ đá to chắn ngang. Một chiến sĩ biên phòng chở tôi nói: “Con đường này chỉ có người bản địa mới lái được, còn người mới đến đây không quen không thể đi được”.
Hết cung đường này, đoàn hành trình lại chinh phục thử thách tiếp theo là leo hơn 500 bậc thang (tương đương toà nhà 25 tầng - PV) để được chạm tay, đặt chân lên cột mốc A Pa Chải. Trải qua hành trình dài, không ít đại biểu thấm mệt, thở dốc, nhưng các bạn trẻ đều động viên nhau vượt qua thử thách để chinh phục điểm cực Tây của Tổ quốc, điều mà không phải ai cũng có cơ hội đạt được.
Lễ chào cờ đặc biệt
Lên được Cột mốc A Pa Chải, tất cả đại biểu đều vỡ oà cảm xúc vui sướng. Tiếng nói, tiếng cười giòn tan nơi biên cương Tổ quốc. Sức trẻ căng tràn đã mang đến một không khí thật khác, thật đặc biệt tại cột mốc số 0 - điểm giao 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).
Các bạn trẻ cùng cất vang “Bài ca sinh viên” giữa đất trời bao la của núi rừng Tây Bắc. Ở độ cao hơn 1.866 mét so với mực nước biển, lá cờ đỏ Tổ quốc, cờ Hội Sinh viên được các bạn sinh viên vẫy tung bay phấp phới.
Tại Cột mốc số 0, trong không khí thiêng liêng và xúc động, đoàn đại biểu Hành trình “Sinh viên với khát vọng non sông” nghiêm trang làm lễ chào cờ và cất vang hát Quốc ca giữa trời xanh lộng gió. Dưới cờ đỏ sao vàng nơi cực Tây biên cương Tổ quốc, các cán bộ, hội viên, sinh viên tiêu biểu đến từ mọi miền đất nước đặt bàn tay lên ngực cất vang bài Quốc ca đầy hào hùng, thể hiện niềm tin son sắt đối với Đảng, với dân tộc và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau lễ chào cờ, hát Quốc ca, đoàn đại biểu đứng thành hình vòng tròn xung quanh Cột mốc số 0, nghe Trung tá Đoàn Thanh Tuấn - Chính trị viên Đồn Biên phòng A Pa Chải giới thiệu về Cột mốc và hành trình gian nan của bộ đội biên phòng trong tuần tra, bảo vệ biên giới.
Cột mốc A Pa Chải nằm trên đỉnh núi Khoan La San. Nơi đây được ví von là “3 nước nghe chung tiếng gà gáy sáng”. Cột mốc cắm vào ngày 27/6/2005, cao 2 mét với 3 mặt quay về 3 hướng, bên trên mỗi mặt là tên nước bằng tiếng quốc ngữ và quốc huy riêng của mỗi quốc gia.
Trung tá Đoàn Thanh Tuấn cho biết, từ khi cột mốc được xây dựng đến nay, lực lượng bảo vệ biên giới của 3 nước đã thường xuyên làm tốt công tác phối hợp tuần tra, bảo vệ nguyên trạng đường biên, cột mốc, cũng như trao đổi tình hình liên quan, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Biến vùng đất lịch sử thành điểm “trend”
Trên hành trình gian nan chinh phục Cột mốc cực Tây Tổ quốc, cùng những câu chuyện bảo vệ biên cương của lực lượng bộ đội biên phòng đã truyền cảm hứng, xúc động cho nhiều bạn trẻ trong đoàn.
Cầm trên tay lá cờ Tổ quốc ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trên Cột mốc số 0, bạn Lê Thanh Long - Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Mở TPHCM hào hứng cho biết: “Đứng ở đây, tôi thấy quê hương, Tổ quốc mình thật đẹp và hùng vĩ. Đặc biệt, được hát Quốc ca ở điểm cực Tây của Tổ quốc thật sự trào dâng cảm xúc, tinh thần tự tôn dân tộc được phát huy mạnh mẽ. Tôi cảm thấy mình yêu quê hương, đất nước hơn bao giờ hết”.
Còn bạn Huỳnh Kim Liên - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, không giấu nổi niềm xúc động, hạnh phúc khi lần đầu tiên chinh phục Cột mốc A Pa Chải. “Đây là lần đầu tiên tôi đi bộ 1 quãng đường núi dốc dài, lần đầu tiên leo lên nhiều bậc thang như vậy và lần đầu tiên ngắm đất nước mình trên khung cảnh thật tuyệt vời, với núi non hùng vĩ. Điều này khiến tôi càng thêm biết ơn lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống để có được non sông gấm vóc thanh bình hôm nay và tôi càng thêm trân quý những con người đang ngày đêm hy sinh thầm lặng để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”, Kim Liên chia sẻ.
Kim Liên nhắn nhủ các bạn sinh viên hãy nuôi dưỡng khát khao, hoài bão tiếp bước thế hệ cha anh lan toả tình yêu lịch sử, yêu dân tộc và đặc biệt là sống sẻ chia với cộng đồng nhiều hơn.
Với bạn Trương Văn Hoài Khanh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM, câu chuyện tuần tra bảo vệ biên giới của lực lượng bộ đội biên phòng đã thực sự khơi dậy trách nhiệm, khát vọng phải bảo vệ bằng được sự toàn vẹn lãnh thổ và giá trị thiêng liêng từng tấc đất của Tổ quốc. Hoài Khanh mong muốn, các vùng đất lịch sử, biên giới của Tổ quốc phải trở thành địa điểm “trend” thú vị, được bạn trẻ luôn chọn đến, qua đó, giúp các bạn yêu đất nước mình hơn.
Đoàn đại biểu Hành trình “Sinh viên với khát vọng non sông” do Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN Nguyễn Minh Triết làm Trưởng đoàn, đã có những hoạt động đầy cảm xúc và ý nghĩa tại mảnh đất Điện Biên kiên cường, bất khuất. Chuyến hành trình giúp các bạn sinh viên thấm thía thêm giá trị của độc lập, tự do và quyết tâm tiếp nối truyền thống bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.