Người trẻ trên cao nguyên bò sữa

TP - Thảo nguyên Mộc Châu (Sơn La) là mảnh đất tốt để nhiều triệu phú trẻ làm giàu từ lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.

Giải thưởng Lương Định Của cho triệu phú trẻ

Anh Nguyễn Phong Nhã, một người trẻ ở Cty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, cho biết, hầu hết thanh niên ở đây đều làm nông giỏi, nên cuộc sống sung túc. Họ là lực lượng đi đầu trong việc đưa công nghệ, khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò sữa.

Trang trại của anh Nguyễn Viết Thái, đơn vị 85 (Mộc Châu) quy củ và ngăn nắp. Anh Thái nói: “Người ta cứ nói bò không khôn nhưng tôi lại thấy những con bò gần gũi và hiểu được tính người. Chúng rất ưa nịnh, nếu chủ nhẹ nhàng và chăm sóc tốt, bao giờ nó cũng cho nhiều sữa hơn. Giờ này (cuối buổi chiều), chỉ cần gọi bò theo số đeo trên tai là chúng sẽ tự đi đến nơi vắt sữa...”.

Quê Thái Bình, đầu năm 1993 anh Thái lên Mộc Châu lập nghiệp cùng anh chị. Đầu năm 2005, chuyển sang chăn nuôi bò sữa. Lúc đầu vốn ít, kinh nghiệm chưa có, vợ chồng anh chỉ nhận nuôi 1-2 con. Đến nay, họ có 18 con bò, trong đó 12 con đang cho sữa. Trung bình một ngày, 12 con bò cho 250 lít sữa, trừ chi phí, mỗi ngày anh Anh thu hơn 1 triệu đồng. Anh đang chuẩn bị xây nhà tầng, sắm ô tô mới.

“Tất cả mọi thứ gia đình tôi có là nhờ đàn bò này cả đấy”. Anh Thái vừa được nhận Giải thưởng Lương Định Của của T.Ư Đoàn nhờ có thành tích cao trong chăn nuôi bò sữa. Tới đây, anh sẽ về Hà Nội nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua 5 năm liên tiếp, do Bộ NN&PTNT trao.

Chủ trang trại Nguyễn Văn Hải (Vườn Đào 1 Nông trường Mộc Châu), một trong gần 600 hộ chăn nuôi ở Mộc Châu, hơn 30 tuổi, khá thành công trong chăn nuôi bò sữa. Anh chia sẻ: “Bốn năm trước, với vốn hỗ trợ của Cty Cổ phần giống bò Sữa Mộc Châu, từ 6 con đến nay tôi có 34 bò sữa. Sáu con đang cho sữa, với sản lượng gần hai tạ/ngày”.

Trước đây, trời chưa kịp sáng, cả nhà anh đã phải ra đồng cắt cỏ mang về cho đàn bò. Bây giờ, máy cắt cỏ, băm cỏ, máy vắt sữa giúp gia đình anh tiết kiệm thời gian và công sức. Theo anh Hải, sữa tươi nông dân bán cho Nhà máy sữa Mộc Châu với giá hơn 9.000 đồng/kg, nên thu lợi từ chăn nuôi bò của gia đình anh khá cao.

Cử nhân nuôi bò

Trên cao nguyên Mộc Châu, không ít người tốt nghiệp trường liên quan nông nghiệp đã về quê nuôi bò. Gia đình bà Phạm Thị Lịch (đơn vị 26-7, thị trấn Nông trường Mộc Châu), có 35 con bò, trị giá xấp xỉ một tỷ đồng, giàn máy vắt sữa trị giá 45 triệu đồng, máy cắt cỏ, máy cày bừa đều có giá cả chục triệu đồng.

Chị Phạm Thị Hương (vợ anh Thái) đang chăm sóc bò sữa.

Bà Lịch cho biết, Phan Doãn Huấn, con trai bà, có bằng đại học cũng ở nhà nuôi bò sữa. “Lúc đầu Huấn đi học, tôi cứ lo nó không có việc làm, giờ thì đã yên tâm. Không gì bằng làm việc tại gia mà thu tiền tỷ mỗi năm”.

Huấn đang thử nghiệm gieo một loại cỏ giống mới năng suất cao để thâm canh, gối vụ, đủ cho số lượng bò nuôi ngày một nhiều hơn. Huấn nói: “Nuôi bò sữa bây giờ cần tăng thức ăn xanh để tăng năng suất sữa”.

Nguyễn Viết Thái là Bí thư chi đoàn 85 Thị trấn Mộc Châu, Sơn La. Giỏi nghề nhưng không giấu nghề, là phương châm của anh. Anh luôn phổ biến, hướng dẫn mọi người cách quản lý và xây dựng trang trại hiệu quả nhất. Thái mong muốn nhân rộng mô hình nuôi bò của mình ra cả nước. Anh cũng mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Theo giaithuong.vn

Theo Báo giấy