Người tiêu dùng chưa sử dụng hết quyền của mình

TP - Giá xăng giảm kỷ lục, cước vận tải “lặng thinh”, hàng triệu người tiêu dùng (NTD) ngang nhiên bị “móc túi”. Nhiều vụ hàng giả, hàng nhái, thực phẩm không an toàn bị phát hiện, NTD hoang mang. Phải chăng NTD vẫn đang ở thế yếu, thế bị động?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về vấn đề này. 

Đòi cước vận tải giảm, vẫn chưa thấy Cục Quản lý giá trả lời

Khi NTD bị lừa, bị “móc túi”, Hội đã làm gì để bảo vệ họ, thưa ông? 

Những vấn đề có ảnh hưởng đến NTD như giá cả, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng, gian lận trong đo lường, quảng cáo không trung thực… Hội đều lên tiếng.

Ví dụ gần đây, một hãng sữa dành cho trẻ em trong diện bình ổn giá nhưng vẫn liên tục tăng. Hội đã kiến nghị nhiều lần, buộc phải đưa vào hàng bình ổn giá. Hội cũng tự đứng ra khảo sát thị trường, phát hiện chất tạo nạc tồn dư trong thịt lợn siêu nạc. Hội cũng lấy mẫu, kiểm nghiệm ra chất Tinopan (chất phát sáng) trong bún, bánh phở. Sau đó nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra trên diện rộng. 

Phát hiện ra nhiều vụ việc là vậy nhưng dường như Hội chưa có giải pháp mạnh tay để đảm bảo quyền lợi cho NTD?

Có nhiều trường hợp Hội đã có công văn gửi các cơ quan chức năng liên quan đề nghị xử lý. Đơn cử gần đây nhất là giá xăng dầu giảm liên tục trong khi cước vận tải không giảm, NTD bị thiệt. VINASTAS đã lập tức có công văn gửi Cục Quản lý giá kiến nghị đơn vị có biện pháp mạnh hơn để giảm giá vận tải, đảm bảo quyền lợi cho NTD. Tuy nhiên, công văn gửi ngày 16/1 đến nay chưa nhận được hồi âm.

Như vậy, vai trò, quyền hạn của Hội chưa đủ để xử lý mạnh mẽ hơn những việc liên quan đến trách nhiệm của mình, thưa ông?

Luật bảo vệ quyền lợi NTD chưa thể hiện rõ các điều kiện để thực hiện trách nhiệm này. Hội không thể xử phạt các đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, cũng có sự việc nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo trắng trợn, đơn vị cũng tư vấn cho NTD gửi đơn đến cơ quan công an để điều tra, xử lý theo pháp luật. 

Ở các nước phát triển, khi một cửa hàng ăn gây ngộ độc hoặc một doanh nghiệp cố tình làm giả, làm nhái sản phẩm ngay lập tức bị sập tiệm bởi cơ quan nhà nước cấm cửa và người tiêu dùng tẩy chay. Việt Nam chưa có tiền lệ này? 

Hội chưa từng kêu gọi NTD tẩy chay sản phẩm nào nhưng kêu gọi NTD không lựa chọn sản phẩm làm giả, làm nhái cũng đồng nghĩa với tẩy chay. Khi cơ quan chức năng phát hiện đơn vị, sản phẩm kém chất lượng, làm giả nên công khai rộng rãi trên truyền thông để NTD biết, không lựa chọn sản phẩm. Có thể nói, NTD ở nước ta vẫn chưa sử dụng hết quyền của mình. 

NTD chỉ nên mua sản phẩm ở những cửa hàng, cửa hiệu uy tín. Khi gặp sự cố thì gõ cửa cơ quan quản lý nhà nước như Sở Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được giúp đỡ. 

Cảm ơn ông.

Post by Báo Tiền Phong.