Người Tiền Phong đi B ngày ấy

TP - Thoạt đầu  ở chung một phòng rộng. Sau thì căn phòng trên gác 2 Khu tập thể Tiền Phong ở 128 Hàng Trống ấy phân thành ô thưng cót ép chia đều cho mỗi phóng viên khoảng hơn 4 m2.  Nói có chút áy náy bởi những phóng viên gạo cội như anh Lưu Quang Huyền tuổi đời tuổi nghề hơn lứa chúng tôi cỡ gần 2 chục năm cũng vẫn chỉ hưởng tiêu chuẩn ấy... 
Các tác giả của Tủ sách Thanh niên gặp lại tại căn cứ T.Ư Cục Tây Ninh (năm 2004) từ trái sang, Tâm Tâm, Phạm Hậu, Lưu Quang Huyền (ảnh tư liệu của nhà báo Lưu Quang Huyền)

(Nhớ nhà báo Tâm Tâm)

Làm hàng xóm nhiều năm áp tường cót ép với cựu phóng viên Tiền Phong Lưu Quang Huyền (khi ấy mới chuyển công tác về Cục Báo chí Bộ Văn hóa Thông tin) tôi được anh nghe kể cho nhiều chuyện về lớp phóng viên Tiền Phong đi chiến trường.

Mùa xuân năm 1968, các phóng viên báo Tiền Phong khi ấy là anh Bùi Sơn Tùng (sau này là nhà văn Sơn Tùng), Lưu Quang Huyền, anh Tâm Tâm (Nguyễn Duy Tân) Phạm Hậu và Khải Hoàn,  Họa sĩ Ái Nhi  của Báo Thiếu niên Tiền phong ở chung nhà 15 Hồ Xuân Hương đã lặng lẽ rời tòa soạn bí mật về một địa điểm ở phía Bắc thành Sơn Tây. Tại đó hơn 30 phóng viên, cán bộ thuộc hệ thống Đoàn thanh niên đang được huấn luyện cấp tốc để chuẩn bị đi B tăng cường cán bộ cho Đoàn TNNDCM miền Nam. Nhiệm vụ cụ thể chủ yếu ra đời tờ báo Thanh Niên và tổ chức xây dựng Tủ sách Thanh niên.

Sau nhiều tháng gian khổ vượt Trường Sơn, các PV Tiền Phong đã vào được Trung ương Cục ở chiến trường B2. Đồng chí Vũ Quang nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã có những dòng hồi ức  Sau một thời gian họ vào chiến trường, tại trụ sở T.Ư Đoàn ở 60 Bà Triệu Hà Nội chúng tôi bất ngờ nhận được những tờ báo Thanh Niên, những cuốn sách trong Tủ sách Thanh niên được biên tập in và phát hành tại chiến trường do những nhà báo trẻ thời bấy giờ như Sơn Tùng, Phạm Hậu, Quang Huyền, Tâm Tâm… mà chúng tôi mới đưa vào góp phần chủ yếu tạo thành.

Trong 7 năm từ năm 1968 đến 1975, cùng với việc phát hành báo Thanh NiênTủ sách Thanh niên đã biên tập in và phát hành hơn 50 đầu sách các loại như chủ đề chống âm mưu bình định của Mỹ, Thiệu; Người tốt việc tốt,  7 tập về Điều lệ Đoàn về các lĩnh vực hoạt động chiến đấu, sản xuất sinh hoạt của thanh niên miền Nam… Bây giờ đang rộ lên phong trào học tập làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, nhưng sau thời điểm Bác mất năm 1969, hàng ngàn ấn bản với chủ đề Những mẩu chuyện về đạo đức tác phong của Bác được các phóng viên biên tập viên của Tủ sách Thanh niên sáng tạo mưu trí và dũng cảm đưa vào nội đô Sài Gòn.  Các anh dùng phương thức xanh vỏ đỏ lòng, bìa và mấy trang đầu in những Tam Quốc Tùy Đường diễn nghĩa, Thuyết đường diễn nghĩa… nhưng ruột là nội dung những mẩu chuyện đạo đức tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Anh Lưu Quang Huyền có năng khiếu đặc biệt về lưu trữ cá nhân. Bằng cớ là những tấm ảnh, bài báo dạng bản thảo hay bản in, tài liệu viết tay… tại chiến trường những năm tháng đạn bom ấy anh còn giữ được khá nhiều. Lần ấy tôi đã bồi hồi được anh Quang Huyền cho lần giở lại những trang đã vàng ruộm thời gian của một cuốn Tạp chí trong Tủ sách Thanh niên. Nhiều bài viết của phóng viên Tiền Phong ở chiến trường như Quang Huyền (với nhiều bút danh như  Lưu Nam Huyền, Lưu Sa, Công Đê…).

Đặc biệt phóng viên Tâm Tâm chuyên viết phóng sự không dùng bút danh mà dùng tên thật  như hồi ở Tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương. Bắt mắt là phóng sự của Tâm Tâm có cái tít Đất quê Tứ kiệt viết về 18 xã mạn Nam của Lộ Bốn tỉnh Mỹ Tho. Một vùng đất có bề dày truyền thống hào hùng đánh Pháp với 4 danh nhân nay là mảnh đất thép kiên cường chống Mỹ với nhiều câu chuyện chi tiết sinh động, thú vị. Cuối bài, tác giả có ghi Mỹ Tho tháng 7/1970. 

Chụp ở chiến trường B2 Xuân 1968. Hàng cuối cùng, từ trái sang Khải Hoàn, Sơn Tùng, Phạm Hậu, Tâm Tâm (ảnh TL của nhà báo Lưu Quang Huyền)

Với lứa phóng viên đàn anh thời bom đạn chiến trường ấy, ở Khu tập thể là cự ly ấm áp qua một lần cót ép. Tại cơ quan người gặp hàng ngày. Khác với tình trạng thương tật hạng nặng (thương binh hạng 1/4) hai bàn tay co quắp (với nghị lực phi thường, người thương binh Bùi Sơn Tùng đã thành danh nhà văn Sơn Tùng, nhà Hồ Chí Minh học, tác giả nhiều đầu sách trong đó có Búp Sen Xanh) và thân hình hom hem da dẻ sần sùi do nhiễm chất độc da cam của nhà báo Lưu Quang Huyền. Nhà báo Tâm Tâm may mắn chỉ bị thương nhẹ và không nhiễm sâu chất độc da cam. Và có thể là do giữ gìn không rượu, không thuốc, sinh hoạt điều độ anh Tâm Tâm luôn phong độ ở cương vị Trưởng ban Quốc tế báo Tiền Phong.

Khó tìm thấy dấu vết nhọc nhằn của quãng thời gian sống chết đạn bom suốt 7 năm ở chiến trường. Có chăng là một biến tướng hình thức với bộ simili màu rêu và cặp kính mát cũng màu rêu mà anh vẫn thường mang. Nhác thấy anh song hành khi hành nghề với các ký giả ngoại quốc ngó chả kém cạnh gì. Tôi thường ghé phòng của anh để đọc ké các tài liệu tham khảo đặc biệt và bản tin của các đại sứ quán. Có lần gặp ở đó phóng viên người Pháp Giăng Pie Đibri người từng bị chế độ Mỹ Thiệu giam cầm được anh Tâm Tâm khuyến khích viết tự truyện dài kỳ đăng trên Tiền Phong khá hấp dẫn với cái tên Tôi là Vixi. Dịp gặp lại ở Paris sau này, câu tiếng Việt đầu tiên của Giăng là anh  Tam Tam co khoe khong?

Tháng 3/1979, anh Tâm Tâm dẫn đoàn nhà báo quốc tế xuống Quảng Ninh để gặp gỡ những điển hình chống quân bành trướng ở Mặt trận Đông Bắc. Anh Tâm Tâm giao cho tôi việc xuống trước để gặp gỡ các điển hình từ Mặt trận về báo công. Trên cơ sở đó anh tóm tắt để cung cấp thông tin cho các nhà báo quốc tế. Tất tả suốt hơn mười ngày như con thoi nối Hà Nội với Quảng Ninh khi đó tuyền xe khách, tôi mới hoàn thành nhiệm vụ mà Ban Biên tập cũng như Trưởng Ban quốc tế Tâm Tâm giao.

Năm tháng ấm áp, nhưng cũng là năm tháng khó khăn, nghiệt ngã. Hình như lứa các anh Tiền Phong đi B ngày ấy không được mấy người suôn sẻ hanh thông? Mẫu số chung cuối đời là thua thiệt! Nhà văn Sơn Tùng bây giờ ốm yếu vì thương tật vì tai biến có dạo rơi vào thiêm thiếp vô minh. Nhà báo Lưu Quang Huyền, có người con trai khỏe mạnh nhớn nhao đang là sĩ quan công an đột ngột mất vì tai biến. Rồi cô con gái tài năng hoạt khoát của anh Tâm Tâm rất có khả năng viết lách Nguyễn Quỳnh Chi, PV của Tiền Phong bất ngờ ra đi.  Và những ngày áp Tết Kỷ Hợi này đến lượt nhà báo Tâm Tâm!

Đêm 23 tháng Chạp Mậu Tuất

Cuối những năm tám mươi, tôi được giao việc theo dõi các kỳ họp Quốc hội. Phần việc ấy trước đó là anh Tâm Tâm gánh. Anh tận tình hướng dẫn và truyền lại cho chút kinh nghiệm hành nghề ở nghị trường.  Thấy bộ dạng lúi xùi chuyên đánh thứ áo quần tầu tầu của tôi, anh Tâm Tâm cho cái áo màu sáng may kiểu ký giả khá sang khi ấy mà anh mới mặc vài nước, bảo khi đi họp hành đâu đó thì mặc! Cái áo ấy hiện tôi vẫn giữ dù đã sờn rách.