Người thầy trẻ nhận bằng thạc sỹ ở Mỹ về truyền lửa cho người Jrai

Trong những ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi có dịp ghé thăm anh Siu Hril người vừa nhận bằng thạc sĩ ở Trường Đại học Tổng hợp Hawaii (Mỹ). Với tấm bằng thạc sỹ trong tay, anh đã quay về nơi mình sinh ra, đem kiến thức đã được học truyền dạy cho người Jrai.
Siu Hril (bên trái) - người thầy của đồng bào dân tộc Jrai.

Người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên

Siu Hril cũng như nhiều bạn bè khác tại làng Brel, xã Ia Der, huyện Ia Grai (Gia Lai) từ nhỏ anh đã phải bươn chải kiếm sống. Cuộc sống khó khăn đã tạo cho anh thêm động lực học tập, với tâm niệm học để sau này sẽ về giúp đồng bào mình có cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Ngay từ khi mới ngồi trên ghế nhà trường, Siu Hril đã ấp ủ những mong ước về truyện dạy cái chữ, tạo cái nghề cho các thành viên trong cộng đồng dân tộc Jrai.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, Hril đã tích lũy cho mình được vốn tiếng Anh kha khá. Chỉ một thời gian sau, anh lại tiếp tục được nhận học bổng du học tại trường Trường Đại học Tổng hợp Hawaii, Mỹ. Hril trở thành một trong số ít người con của dân tộc Jrai nhận được học bổng tại một trường danh giá hàng đầu thế giới.

Sau khi hoàn thành xong chương trình cao học ở Mỹ, Hril nhận được nhiều lời mời làm việc trong và ngoài nước nhưng anh đều lắc đầu từ chối. Hril nói: “Tây Nguyên là nơi tôi sinh ra, nơi đó còn khó khăn lắm, nhất là người dân tộc Jrai. Tôi muốn về đó truyền cái chữ, cái nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Lớp học tiếng Anh do Siu Hril mở ngày càng đông các em đến học.

Nhận bằng thạc sỹ ở Mỹ về giữ lửa cho văn hóa của người Jrai

Nhiều kế hoạch đã được anh Hril lập ra. Ngay những ngày anh trở về lại Tây Nguyên, Hril mở ngay lớp học tiếng Anh cho con em là người dân tộc. Lớp thứ 2 anh mở là truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của người Jrai.

Với hai lớp học đầu tiên này, anh muốn truyền dạy vốn ngoại ngữ cho các em người dân tộc Jrai, và muốn góp phần bảo tồn và lưu truyền nghề dệt truyền thống trước nguy cơ mai một.

Vạn sự khởi đầu nan, mới những ngày đầu anh gặp muôn vàn khó khăn như chỗ học, kinh phí, người dạy…. Tất cả đã dần dần được anh hóa giải bởi lòng nhiệt huyết với dân tộc mình.

Hiện lớp học tiếng Anh cho con em dân tộc Jrai được Hril dạy ngay trong nhà của anh. Lớp học nghề thổ cẩm anh mượn căn nhà sàn của bác anh để mở lớp. Kinh phí thì bước đầu cũng đã có tổ chức tài trợ cho lớp dạy nghề thổ cẩm.

Lớp học tiếng Anh hiện đã có gần 20 em theo học. Các em được dạy học miễn phí hoàn toàn. Lớp tiếng Anh chú trọng vào sự tự tin trong giao tiếp với người nước ngoài - điều mà các em người dân tộc Jrai còn thiếu. Ngoài được học ngoại ngữ, các em còn được anh Hril truyền dạy cho nhiều kiến thức về văn hóa của dân tộc mình.

Nói về lớp học thổ cẩm thì anh Hril cảm thấy mãn nguyện vì một nghề dệt của người Jrai đã bị mai một dần, giờ lại được nhiều chị em tìm đến học. Các nghệ nhân trong làng cũng nhiệt huyết truyền dạy nghề. Sản phẩm là những bộ đồ truyền thống dưới bàn tay khéo léo của các học viên lại được tái hiện lại giống như thời hoàng kim của nghề.
Sản phẩm của lớp học hiện được Hril quảng bá bằng nhiều kênh khác nhau để tiêu thụ. Trong đó anh nhờ bạn bè của mình ở nước ngoài đem đi chào hàng bên các nước bạn. Đây là một kênh tiêu thụ sản phẩm chính của lớp trong tương lai.

Nhờ bán được sản phẩm mà các học viên có thêm được thu nhập, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Quan trọng nhất vẫn là bảo tồn được nghề truyền thống của ông cha để lại.

Cứ đều đặn ngoài việc đến lớp anh còn tham gia nhiều hoạt động bảo tồn, quảng bá những giá trị truyền thống của dân tộc trước nguy cơ mai một…

Lớp dệt thổ cẩm.

Nói về kế hoạch sắp tới, anh Hril chia sẻ: “Trong năm 2015, tôi và một số người bạn đang có nhiều dự định lắm, nhưng trước mắt chúng tôi sẽ mở lớp truyền dạy tạc tượng nhà mồ cho các học sinh. Tiếp đến chúng tôi cũng sẽ bắt tay vào làm cuốn từ điển tiếng Jrai - Việt - Anh để bảo tồn ngôn ngữ của người Jrai.

Theo Nguyễn Dũng

Theo Giáo dục thời đại