Người sang của nước

TP - Vừa từ Indonesia về Hà Nội nghỉ ngơi ít ngày, Phó Ðại sứ Hồ Anh Thái nhắn tin: “Ðợt này nhà ngươi có lấy sách cho ai không? Tủ sách đầy quá, ta đang dọn bớt mấy chục cân” “Có chứ. Em đang cần gùi một ít lên bản Dõn”.
Hồ Anh Thái (giữa) tại diễn đàn hội nghị nhà văn quốc tế, Thụy Ðiển 2008

NGƯỜI SANG

Bản Dõn xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang nơi khai sinh báo Tiền Phong, nơi mà dịp này- 65 năm thành lập báo, cơ quan có kế hoạch về nguồn, tiện thể tặng sách và quà cho bà con.

 Lập tức Hồ Anh Thái nhờ một thanh niên thồ cả “công-ten-nơ” đến tòa soạn. Sau một hồi tuyển lựa trong số ngót trăm cuốn, tôi thông báo: “Em chọn cho mình được một ít. Có hai đồng nghiệp thích quá nên cũng khuân. Kiểu này không đến lượt bà con bản Dõn mất”. Thế là hôm sau khổ chủ lại “thân” đi Grab đến tận nơi, bê thùng giấy nặng trĩu và túi to vật vào thang máy. 

Hồ Anh Thái là nhà văn chuyên nghiệp và nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tiến sĩ Văn hóa Phương Đông. Thời trẻ anh làm ở Vụ Lễ tân và Vụ Châu Á 4 (Bộ Ngoại giao). Những năm về sau thì cứ mấy năm lại một nhiệm kỳ “đi sứ”, làm Bí thư Đại sứ Việt Nam ở Ấn Độ và Phó Đại sứ ở Iran, Indonesia.

Đều như vắt chanh, năm nào Hồ Anh Thái cũng ra sách mới, thậm chí một năm vài cuốn. Ít nhất cũng tái bản tiểu thuyết hoặc tập truyện ngắn, tập tiểu luận nào đó. Rải đều truyện ngắn các báo. Tết thì đúng là “mùa gặt”.

Trên báo Tiền Phong,“người sang của nước” in không chỉ bài lẻ tẻ. Anh từng nghĩ ra mấy chuyên mục kéo cả năm trời: “Kiến đốt thứ Năm” (bình luận văn nghệ và đời sống, hồi những năm đầu 2000, vào thứ Năm hàng tuần), rồi “Lang thang trong chữ”. Cũng như Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Việt Hà chính là những người khai mở mục “Tạp văn” của bản báo từ mười mấy năm trước. Thanh Thảo (nhà thơ) và Nguyễn Quang Lập thì hồi xưa phụ trách “Hộp thư văn nghệ”, trả lời bạn đọc rất hóm. Nguyễn Quang Lập cả đứng mục “Cười hay mếu” còn ông em trai- Nguyễn Quang Vinh đẻ mục “Thám tử làng” vui vui. Tôi với tư cách biên tập viên là người đặt hàng, trao đổi bài vở. Nhiều nhà văn nổi tiếng khác nhiệt tình cộng tác mục “Chuyện làng văn nghệ”, “Đời sống văn nghệ hôm nay” (thập kỷ 90 thế kỷ trước). Họ là cộng tác viên của tôi hoặc nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn và Tổng biên tập Dương Kỳ Anh.

“Ta định ít năm nữa già hẳn sẽ hiến cho thư viện nào đó, vì con cháu mình có đứa nào thiết đâu. Nhưng hóa ra không đơn giản vì tặng thư viện thì họ sẽ phải bỏ công phân loại rất kỹ, rồi phải có chỗ chứa nữa”.

HỒ ANH THÁI kể, khi thấy khách đến nhà luôn trầm trồ tủ sách của mình

LẬP DỊ KIỂU THÁI

Người sang của nước hình như cũng lập dị, hâm ra phết. Văn sĩ mà.

Chị Khuê (nhà văn Lê Minh Khuê) bảo: “Thằng này buồn cười thật. Lang thang kiếm được thứ mà nó cho là hay ho bèn quơ một mớ về ấn cho mọi người bắt xem bắt nghe”. Đó là thời mạng mẽo chưa lên ngôi. Chúng tôi nghiệm ra, ca sĩ Việt Nam anh Thái mê nhất là Lê Dung, Ngọc Tân. Phim ảnh thì ngoài phim Mỹ 4-5 sao,  anh còn lùng phim của đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc và Iran. Có địa chỉ ruột ở Hàng Bài chuyên cung cấp. Nên là về sau chúng tôi bảo nhau mò đến đấy, vì ngửa tay cầm quà của anh mãi e không tiện. Hiệu sách quen của anh cũng thành nơi lui tới của chúng tôi một dạo. Anh hay xưng “ta” và gọi thân mật đám đàn bà là “ngươi”, “mụ”.

Hồi đó thỉnh thoảng tôi đi làm về lại nghe mẹ hoặc con gái thông báo: “Bác Thái vừa đến, không vào nhà mà đứng ngoài cửa đưa sách với đĩa này xong đi luôn”.

Lượn các hiệu sách thấy tác phẩm mới của tác giả yêu thích, nhất là tác giả Nobel  hoặc cuốn mới mà anh đọc tin tức nước ngoài biết rằng đáng xem, là lại tha hàng đống về để đọc và rải. Bị bỏ bom, chúng tôi có lúc háo hức bập vào ngay nhưng nhiều lúc bị sự bề bộn cuốn đi, cũng chả gọi cho anh thông báo tình hình xem nghe đọc của mình, thu hoạch ra sao. Thật quá phụ lòng. (Bọn tôi hay dùng từ “dã man”). Nhưng Thái chẳng lấy thế làm điều.

Qua thời săn lùng băng đĩa, thì người lập dị ngoài chuyện vẫn mọt sách còn là bợm lướt mạng. Vớ được món hay ho là lại tống đạt link qua thư điện tử, mà không cần để tâm bao giờ bọn kia mới chịu ngó ngàng, không cả trả lời thư, vì chúng lúc nào cũng bận. Bạn bè anh em thân thiết là thế đấy: không cần phép lịch sự, hồi âm các thứ, mà ta (Thái) cứ điềm nhiên thích gì làm nấy còn thì kệ chúng!

Trên tư cách thẩm định, người này còn kỳ khôi hơn nữa. Có con mắt xanh, lòng liên tài. Thấy người lạ hoắc lạ huơ tận đẩu đâu, chỉ cần viết lách sạch nước cản là anh tình nguyện biên tập không công, góp ý cho họ hay lên, xong gửi báo nọ báo kia với lời phi lộ đáng tin cậy. In báo được số lượng kha khá lại bị anh hì hụi tuyển chọn giới thiệu cho các nhà xuất bản để ra sách. Nhiều người nhờ Hồ Anh Thái mà không còn là cây quế giữa rừng nữa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Mạc Can, Nguyễn Trí…

Đến nhà của người lập dị ở Times City, dễ nghĩ “nhà của nhà văn, của người  có văn hóa nó phải thế”. Đó là một căn hộ ba phòng sạch lau li hơn trăm mét vuông không có những đồ đạc đắt tiền, thiết bị điện tử tối tân, xô-pha bệ vệ mà vẻ đẹp của nó nằm ở những thứ này: Giá sách cao sát trần chất đủ ba phòng; những tấm thảm trải sàn khăn trải bàn, tranh thảm treo tường của Ba Tư và Ấn Độ- thảy đều trang nhã; những đồ vật lưu niệm xinh đẹp kể câu chuyện chủ nhân từng dừng chân nơi nào trên thế giới. Anh cũng thủ sẵn những món đồ lưu niệm xinh xinh từ các chuyến đi nước ngoài để làm quà cho bạn bè và người thân. Đợt này món quà anh tặng cánh phụ nữ là mảnh lụa Ấn Độ rất chi “bản sắc” để may áo dài hoặc váy.

Một trong số tủ sách- của cải trong nhà Hồ Anh Thái khiến ai đến cũng bắt thèm. Người ngồi trong góc nhỏ là nhà văn Lê Minh Khuê, bà chị thân thiết của anh Thái Ảnh: DPV

VĂN NHƯ NGƯỜI

Nhà văn mỗi người mỗi tạng, bạn đọc cũng mỗi người một gu, nhưng ấn tượng nhất về Hồ Anh Thái, đó là một người cầu kỳ câu chữ kinh khủng, không có tí “ba via” nào, không cho biên tập viên cơ hội thò bút. Dạy được khối người mang tiếng nhà văn nhưng ẩu tả. Và anh thuộc tạng “say mê đô thị” như Dương Thu Hương chứ không hợp nông thôn.

Văn như thế nên người không thể dễ dãi. Trên kia kể chuyện anh cứ điềm nhiên việc mình mình làm mà không cần biết bạn bè đãi đằng lại ra sao, song tính Thái thẳng tưng đến ngạc nhiên, cần phê thì không hề ngán ngại. Sẵn sàng chỉ ra lỗi tiếng Việt và tiếng Anh cho ai cầu thị, cả “lỗi tính cách” nữa.

Có lần tôi hỏi “Anh sinh ra lớn lên ở Hà Nội nhưng gốc Nghệ An. Anh thấy mình có chất Nghệ không?” “Đôi khi ta không thích tính thẳng quá, kiểu Nghệ của mình, nó bất lợi trong một số tình huống và mối quan hệ”.

Hôm rồi tôi nhắn tin: “Em vừa đọc truyện mới, Ngồi đường của anh. Cuốn hút nhưng kết hơi hẫng. Nói chung truyện của anh dạo này phần đầu hay hơn phần cuối. Không cần thắt nút mở nút ghê gớm nhưng các phần tương xứng nhau vẫn thích hơn. Và anh tả giỏi quá, cặp vợ chồng Mỹ luôn nói thì thầm”.

Thái tả lối thì thầm của vợ chồng nhà này trong lớp học đa chủng quốc khiến anh ngạc nhiên: “Sao người Mỹ chúng mày nói gì cũng nhỏ, nhiều lúc nghe chẳng rõ, vậy khi nào thì mày nói to? Brian thì thầm: Nghe rõ chưa, như thế này là tao đang hét đấy. Vào bữa ăn, vợ chồng nó và tôi ngồi bên bàn, nó hỏi rất nhún nhường: Mày không phiền nếu chúng tao cầu nguyện chứ? Rồi hai vợ chồng hơi cúi đầu nhìn vào mép bàn. Brian thì thầm.  Lạy Chúa ở trên trời cao, Người lại ban cho chúng con một bữa ăn nữa trong bình yên, chúng con là Mary và Brian, và thêm Thái cùng ăn với chúng con, amen. Tôi nhận ra rồi. Lúc nào cũng nhẹ nhàng thủ thỉ khiêm nhường thế ấy, như là lúc nào cũng nói với Chúa ở trên cao”.

Văn chương giễu nhại của Hồ Anh Thái đã đi vào nhiều luận án thạc sĩ và tiến sĩ. Với tôi Hồ Anh Thái lúc thì hài hước một cách “trắng trợn” lúc hài ngầm. Đoạn trên kia là một kiểu ngầm. Ngôn ngữ thì cho dù không thể vừa mũi tất cả song không cập nhật, hiện đại không phải Hồ Anh Thái! Chẳng hạn hãy đọc đoạn văn trên kia. Chỗ nào là mô tả chỗ nào thoại - bạn đọc sẽ tự phân câu nhả chữ lấy.

Nghe tôi phàn nàn kết truyện Ngồi đường chưa đích đáng và khen không khí của truyện cũng như tình tiết tả nhân vật chính, anh Thái đáp:  “Ngoài đời vợ chồng nó thầm thì khép nép như thế đấy. Ta nhìn thấy trong số phận chúng nó một chân dung khác về người Mỹ: khiêm nhường và cưu mang nhiều nhưng hay nhận bạc bẽo. Saddam Hussein, Bin Laden đều từng  được Mỹ dạy dỗ.Về kết, dạo này ta chủ ý nhạt hóa, khác kiểu truyện thời kỳ trước dầy dặn đầy ắp biến cố”. Tôi lại nhắn: “Anh cùng tông Phạm Thị Hoài nên kiểu gì cũng vẫn nhọn hoắt thôi, cố nhạt làm gì”.

Ðẻ như gà, “mỗi ngày vui một quả trứng hồng” (thơ Tố Hữu), ngày nào cũng ngay ngắn ngồi vào bàn viết, say mê. Hồ Anh Thái hoàn toàn sống được bằng nhuận bút mà lại có công việc ra trò ở cái bộ oai oách là Bộ Ngoại giao.Thong dong đường đời. Ði hết nước nọ nước kia công cán ngoại giao hoặc giới thiệu văn chương của mình, văn chương Việt Nam ra thế giới. Có dịp là rong ruổi du lịch trong nước…Nên tôi mới ghen tỵ gọi anh là “người sang của nước”.

Một mặt thải loại không thương tiếc những tác giả tác phẩm lỗi thời, mặt khác mê mải sưu tập đồ quí. Ví dụ cùng một cuốn nhưng hễ tái bản là mua, bìa đẹp là mua: sách của E.Remarque, Hemingway, Kundera, Murakami... Riêng Linh sơn của Cao Hành Kiện, 5 cuốn trên giá. Bởi có ba bản dịch khác nhau của Trần Ðĩnh, Hồ Quang Du, Ông Văn Tùng. Riêng bản Trần Ðĩnh dịch, tái bản lần nào mua lần ấy. Hihi. Ðã đủ độ hâm chưa?