Được ví như “bông hoa nở rộ giữa núi rừng”.
Từ những lớp học tranh tre xập xệ, Quỹ Trò nghèo vùng cao (tên cũ là Cơm có thịt) do nhà báo Trần Đăng Tuấn điều hành và GS Ngô Bảo Châu là Chủ tịch danh dự đã huy động đóng góp từ những nhà hảo tâm để xây nên trường mới. Gồm 8 lớp khối tiểu học, 2 lớp mầm non, phòng đa năng, khu văn phòng, nhà bán trú cho học sinh, giáo viên, phòng y tế, bếp, vệ sinh, tọa lạc trên diện tích 1.200m2 trên đỉnh đồi…
Không phải ngẫu nhiên nhiều người liên tưởng tới cái nhà vệ sinh trường học ở miền núi Quảng Ngãi rộng chưa đầy 30m2 xây tốn 600 triệu đồng từ tiền ngân sách. Gần 6 tỷ đồng, bằng toàn bộ kinh phí xây dựng trường Lũng Luông, lại chỉ xây được 13 cái nhà vệ sinh trường học nhỏ xíu vừa hoàn thành đã xuống cấp như vậy.
Không lẽ trong tâm thức nhiều vị lãnh đạo, thì thầy trò những vùng khó nghèo có được cái nhà vệ sinh thế là “tốt rồi’?! Như không ít dự án của nhà nước cho dân miền núi: nước sạch, thủy lợi, trạm y tế, điện mặt trời… xây xong dân không sử dụng được cũng mặc kệ. Như cái cách một số nơi ép dân nghèo bỏ tiền xây những cái cổng ngõ hoành tráng che chắn ngôi nhà lụp xụp phía sau nhằm hoàn thành chương trình “Nông thôn mới”! Nhiều quan xã, quan huyện còn tìm cách trà trộn vào dân nghèo ẵm đi từng thùng mỳ, cân gạo, dắt đi từng con gà, con dê trong những dự án xóa đói.
Chỉ quen “đeo hoa” vào cổ người nghèo trong những tràng vỗ tay lễ lạt dự án, còn người dân nghèo thực sự là ai trong mắt họ? Rất mờ nhòe, không hình hài, không thân phận.
Nên mới liên tiếp có những phát biểu quả quyết của những quan chức, rằng “loạn” trạm thu phí BOT, cũng như tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo(!?). Những phát ngôn vốn rất quen, như mỗi lần tăng giá điện, giá xăng, viện phí… Thậm chí có lúc những lái xe phản ứng với BOT Cai Lậy cũng không được coi là “dân”. Doanh nghiệp cũng không phải là dân. Ngoài các bản báo cáo vốn rất đẹp, thì dân nghèo ở đâu giữa thời thế đầy biến động này?
Trở lại với trường Lũng Luông - một công trình kiến trúc kiên cố, tiện nghi với vẻ đẹp, sắc màu lạ lẫm thanh thoát. Chứa đựng trong đó sự chăm chút tỉ mỉ, tính toán đến từng khả năng chống chọi khí hậu vốn khắc nghiệt nơi đây, về tiêu chuẩn chiếu sáng, thông gió, cách nhiệt, cách âm…
Những công trình du lịch đẹp đẽ giữa núi non không thiếu. Nhưng ngôi trường gây xúc động, bởi vẻ đẹp mời gọi của nó. Mời gọi, thúc giục hãy đến với những trò nghèo, người nghèo bằng trái tim yêu thương, chứ không phải ban phát.
Thực ra trường Lũng Luông đã hoàn thành từ năm học trước. Bằng bài giảng đầu tiên của GS. Châu, với hai phép tính. Đó là 1+1=2. Và 1+trái tim>2.