30-4-2021

Người kêu cứu cho chim trời và động vật hoang dã

TP - “Chưa từng thấy ai mê lội rừng với tâm thế trong veo, quyết liệt bảo vệ từng cánh chim rừng, từng con thú hoang bằng anh ấy”- Tất cả những người quen biết khi nghe tôi hỏi về nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, từ nhà báo đến nghệ sĩ, chuyên gia môi trường, cán bộ bảo tồn sinh học, đều yêu mến nhận xét như vậy.

Tìm duyên nơi rừng thẳm

Tăng A Pẩu không nhận mình là “nhà” gì cả! Ông đứng ngoài mọi danh hiệu, xa lạ với mọi cuộc vinh danh. Nể bạn bè tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh Gia Định, thỉnh thoảng ông ghé giao lưu chứ không dự cuộc thi nào, dù đa số giới cầm máy mỗi khi nhắc đến ông đều trầm trồ, thán phục.

Ngắm kho ảnh đồ sộ và theo dõi hành trình không ngừng nghỉ ngược Bắc xuôi Nam, lao theo những cánh chim trời với những ống kính to oành, nặng trĩu của Tăng A Pẩu, ít ai ngờ chẳng bao lâu nữa, ông sẽ vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Sau khi biết tôi từ lâu đã “về phe” bảo vệ động vật hoang dã, ông giám đốc doanh nghiệp chưa vợ dáng vẻ lạnh lùng này mới nhẹ nhàng chia sẻ chuyện riêng tư, cởi mở giải đáp những thắc mắc lâu nay người hâm mộ dù rất tò mò, cũng không dám hỏi.

Cò Ngàng

Tằng A Pẩu người Nùng Hoa. Ông chào đời ở ngôi làng nhỏ Lương Sơn gần Sông Lũy thuộc xã Suối Nhuôm, quận Hoà Đa, tỉnh Bình Thuận. Trước nhà, rừng thăm thẳm xanh dày 15km tới tận thềm biển. Cha mẹ nghèo đông con. Bầy trẻ lớn lên như cỏ dại. Thời sinh viên, Pẩu chọn ngành Lâm nghiệp. Học hết chương trình, không làm luận văn tốt nghiệp, ông bước thẳng vào đời, bươn chải đủ thứ nghề kiếm sống. Khi cuộc mưu sinh nhẹ gánh cũng là lúc ông phát hiện mình đã mắc bệnh hiểm nghèo. Sau hơn một năm ráo riết điều trị, bác sĩ cho biết sức khỏe ổn định, dặn ông ráng giữ để khối u không sớm tái phát.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, chụp bởi NSNA Hoàng Thế Nhiệm

“Chưa vợ con đã hết nửa đời người. Những cô bạn từng ngỡ sẽ kết hôn rồi trôi qua. Sống sao để đoạn còn lại không phí hoài?”- Tăng A Pẩu tự hỏi. Ông mua máy ảnh, sắm đủ thứ vật dụng cần thiết cho những cuộc rong ruổi, rồi lên đường. Tới bất cứ vùng đất nào chưa qua. Thấy yêu rừng hơn phố. Ban đầu theo đoàn, sau đi một mình hay nhóm nhỏ. Thường ông tự lái ô tô vào rừng. Ở trong đó hẳn ba, bốn ngày, một tuần, với tâm thế nhàn du, khám phá.

“Tôi tìm thấy niềm vui bất tận khi săn ảnh chim rừng và động vật hoang dã, với tình yêu vô điều kiện. Thế giới này đâu chỉ dành cho loài người? Chúng ta không có quyền chiếm hữu, độc tôn. Tôi chỉ mong những bức ảnh đẹp mình chụp được sẽ đánh thức phần nào tính thiện tiềm ẩn, thúc đẩy mọi người chung tay bảo vệ chim rừng và thiên nhiên Việt Nam”.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu chia sẻ

Vẻ đẹp của những cánh chim trời khiến ông rời bỏ dần những thú vui đô thị. Hễ ngơi việc, Tăng A Pẩu lại về với rừng, dựng lều ẩn mình chờ đợi cơ duyên. Tấm ảnh ưng ý đầu tiên chụp được đúng loài chim đẹp nhất trong các loài chim quý ở Việt Nam: Chim Thiên đường đuôi phướn, tên khoa học là Asian Parradise Flycatcher. Từ đó, niềm say mê săn tìm khoảnh khắc may mắn trong việc chụp ảnh chim rừng ngày càng trở nên hấp dẫn, cuốn hút ông.

Dù ngoài ảnh chim, Tăng A Pẩu cũng có nhiều bộ ảnh thú rừng hoang dã quý hiếm rất giá trị khác, nhưng sự nghiệp săn ảnh của ông vẫn rực rỡ nhất với kho ảnh khổng lồ mà ông chụp và định danh công phu được hơn 500 loài chim, trong tổng số khoảng 830 loài chim có tên trong bảng thống kê chim rừng Việt Nam. Số loài chim ông chụp càng về sau càng tăng chậm lại “ Đó là những giống cực kỳ hiếm rồi. Còn rất nhiều loài chưa tìm được, tôi lo có thể chúng đã hoàn toàn biến mất”- ông bày tỏ.

Dày công săn ảnh để ... cho

Chỉ riêng săn ảnh các loài chim Khướu khác nhau, ông đã khổ công phi thường. Tăng A Pẩu cho biết: Khó chụp nhất là khướu đá vôi, rất bé bỏng, thân chỉ dài 5-6cm, nhảy lóc chóc trên các mỏm đá. Loài này cả thế giới chỉ có ở Việt Nam và một vùng nhỏ ở Lào. Để tìm nó, ông phải bay ra Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), leo lên những dốc núi đá chênh vênh. Khướu đầu đen thì chui rúc trong bụi rậm, lủi rất nhanh. Khướu Ngọc Linh chỉ có trên đỉnh núi Ngọc Linh ở độ cao 2.500m. Khướu đầu đen má xám chỉ bay lượn trên đỉnh Bidoup-Núi Bà... Nỗi đau của Tăng A Pẩu về đời sống mong manh của những cánh chim trời, trước sự vô minh của con người trong việc tàn sát chim thú hiện rõ qua mỗi bức ảnh tuyệt đẹp, với từng dòng chú thích tỉ mỉ như những lời kêu cứu.

Sếu đầu đỏ

“Rẽ mỏ thìa- Spoon billed Sandpiper. Chỉ còn hơn 200 cặp trên toàn cầu. Di cư từ Bắc cực vào bãi bồi phía nam Việt Nam. Bị đe dọa tuyệt chủng do nạn giăng lưới bẫy chim ven các bờ biển rừng ngập mặn”; “ Hạc cổ trắng-Wooly necked Stork- Loài chim Sách Đỏ cần bảo vệ khỏi sự tuyệt chủng tại Việt Nam, nay đã biến mất khỏi vùng đồng bằng sông Cửu long, chỉ còn rất ít ở rừng Tây Nguyên và Đông Nam bộ”; “Khứu Ngọc Linh- Golden winged Laughingthrush-Loài đặc hữu cực kỳ quý hiếm, sống trên đỉnh Ngọc Linh, loài chim duy nhất có ở Việt Nam”; “Sếu đầu đỏ đang bị đe dọa tuyệt chủng khắp lãnh thổ Đông Nam Á”...

Tăng A Pẩu di chuyển hàng nghìn kilômét bằng ô tô hoặc máy bay cho mỗi chuyến săn ảnh. Có những loài chim hiếm ông phải đi hàng chục chuyến, mất cả năm trời kiên nhẫn phục kích cả nghìn giờ mới chụp được.

Cuộc triển lãm “Chim rừng mùa kết bạn” với hàng trăm tác phẩm lay động lòng người, do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và Nhà văn hóa Thanh niên phối hợp tổ chức đầu năm 2015, là sự kiện lớn đầu tiên giúp công chúng biết tới Tăng A Pẩu. Toàn bộ tiền bán ảnh ông tặng tổ chức từ thiện và trẻ em nghèo Tây Nguyên. Mới đây, là cuộc triển lãm ảnh, và in sách ảnh về Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nhiếp ảnh gia cũng vừa “khoe” sự chuẩn mực tôn trọng bản quyền từ văn bản xin phép sử dụng hình ảnh của cơ quan UNESCO Hoa Kỳ, khiến ông “rất sẵn lòng vui vẻ cho”, vì lợi ích cộng đồng. Và rồi, ông rao bán ảnh trong thời hạn chỉ mấy ngày, nhằm góp quỹ cho Hội Bảo tồn Chim Việt Nam vừa ra mắt.