Rất ít người biết rằng cuộc đời của chính người hướng dẫn viên ấy cũng trải nhiều gian truân thử thách khi còn là cán bộ thành đoàn hoạt động trong lòng địch.
Bóng hồng thành đoàn
Cô Tư tên thật Lê Thị Sáu. Tên Tư Sương là bí danh các anh chị vận động cách mạng đặt cho lúc còn đi học ở quận Nhất. Hồi nhỏ ba má cô ở quê có kinh tế khá vững vàng, nhưng bị chiến tranh tàn phá, phải chuyển lên thành phố sinh sống. Ba cô Tư Sương làm ở Ty trồng tỉa (ngành công viên cây xanh ngày nay). Cô kể: “Mấy anh chị rủ tôi đi cách mạng năm 1959, mới 18 tuổi. Người ta cho ba tui cái nhà tập thể. Nhà tôi chứa cách mạng, cô ruột cũng đi binh vận cho cách mạng. Tôi không hề biết”. Tư Sương mới chân ướt chân ráo tham gia cách mạng được 3 tháng, địch nghi ngờ gia đình nên bắt. “Tôi có ý thức, biết nhà cô tôi, nhưng tôi chỉ tầm bậy tầm bạ, chúng không bắt được cô tôi lại quay sang bắt ba tôi”.
Sau lần bị bắt đó, Tư Sương trở nên thận trọng và tính toán mọi việc rất chi ly. Cô kể: “Tôi hoạt động trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên nội thành, tiền thân của Thành đoàn TPHCM ngày nay. Tôi hoạt động giữa Sài Gòn mà không bị lộ. Sài Gòn khi ấy có rất nhiều quân Mỹ và quân chế độ Sài Gòn, nhưng lực lượng thanh niên học sinh chúng tôi luôn ở thế áp đảo”.
Thử thách lớn đã đến với Tư Sương trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Phục vụ chiến dịch, thành đoàn tỏa ra chiếm lĩnh các khu vực ở Sài Gòn và vùng ven. “Chúng tôi ở liên quận 3, anh bí thư liên quận mới tập kết trở về, không may bị bắt, không giữ vững khí tiết đã khai ra tổ chức của chúng tôi”. – Cô kể.
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.
Làm cháu dâu cụ Phan mà không biết
Những ngày tháng hoạt động ấy, Tư Sương được anh em mai mối cho một đồng chí cùng hoạt động. Người vợ đầu của anh là thư ký tốc ký cho hạ nghị viện Sài Gòn, tổ chức đưa về hoạt động ở trong rừng thì gặp càn hy sinh. Anh Hồ Hảo Hớn là thủ trưởng đứng ra làm lễ cưới cho anh và Tư Sương. “Chúng tôi hoạt động ở chiến khu, làm đám cưới ở Bình Dương - Cô Tư kể lại - Nhiều năm sống với nhau nhưng tôi không hề biết chồng tôi là cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh, vì nguyên tắc bí mật nên vợ chồng cũng không cho biết thân phận của mình”.
Năm 1968 tình hình cách mạng sôi động thì cô mang thai đứa con đầu lòng. Có lẽ chồng của cô lo lắng cho giọt máu họ Phan nên một hôm đã tiết lộ với vợ mình: “người mặt trận đi dự hội nghị Pari mà báo chí Sài Gòn đang đưa rầm rộ đó chính là chị Hai mình”. Khi ấy Tư Sương mới biết chồng cô là em kế của nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình và là cháu ngoại của nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng Phan Chu Trinh. “Cả gia đình tập kết hết, còn lại mình chồng tôi ở Sài Gòn!”.
“Hai vợ chồng tôi bị bắt khi tôi sinh con trai mới 20 ngày – Cô Tư kể - Tôi xác định lần này chỉ có chết, không có sống, nên cố ẵm con vào tù nuôi được 7 tháng, cho con vững lên đã. Ôm con trong tù, lòng tôi như lửa đốt”.
Vì có người khai, cô Tư bị thẩm vấn về mối quan hệ với gia đình cụ Phan. “Chúng hỏi tôi có biết bà Nguyễn Thị Bình không? Tôi nói một người ở phương Tây một người ở phương Nam làm sao biết được. Nói giết tui chết thì tui chết, không nói khác được”.
Hai vợ chồng cô Tư bị đày ra Côn Đảo, vợ lĩnh án 6 năm tù, chồng 7 năm tù.
Gặp chị dâu - bà Nguyễn Thị Bình
Hoàn cảnh tù đày của hai vợ chồng rất khó khăn nhưng điều cô lo nhất chính là đứa con trai bé nhỏ. Cả gia đình cô cùng lúc đều bị bắt: “Tôi tính gửi con về cho má nuôi thì má vừa mất, định gửi cho chị ruột nuôi thì hay tin chị cũng bị bắt. Có người cô thứ bảy trong nhà thường nuôi giấu cách mạng, tôi tính gửi, lại nghe tin cũng bị bắt rồi. Dượng tôi cũng bị bắt. Tôi đành hỏi thăm đứa cháu thì mới biết nó cũng đã bị địch bắt”. May nhờ người giao liên của thành đoàn vẫn giữ liên lạc với chị tư cách thăm nuôi. Người cơ sở này nói sẽ nuôi giùm đứa nhỏ. Song cuối cùng cô ấy ốm quá nên đã gửi cho người em ở Bình Dương nuôi. Cũng may hai chị em họ vẫn giữ được liên lạc với nhau.
Ở trong tù, cô không nhận được tin gì về đứa con nhưng vẫn đặt niềm tin vào cơ sở và đồng đội ở ngoài. Cô cũng thấy ân hận vì mình không chăm sóc được đứa con trai của chồng cũng đang cảnh tù đày. Nhờ cuộc đấu tranh của ta trên đà thắng lợi, năm 1974 người chồng được trao trả về đợt I. Sau đó, đến lượt Tư Sương cũng được trao trả.
“Năm 1974 tôi được trao trả về Lộc Ninh. Khi nghe tôi về, người cơ sở nuôi con tôi từ Bình Dương đưa cháu vào rừng trả lại tôi – Cô Tư Sương kể - Chị Bình biết vợ em trai được trao trả, nên đang đi dự hội nghị ở Campuchia, về ngay Lộc Ninh. Tổ chức kêu tôi đến gặp chị. Chị hỏi thăm tôi, tôi cảm động. Chị Bình nói sẵn xe, đưa cháu ra Hà Nội luôn. Vậy là con tôi 6 tuổi vượt Trường Sơn ra Bắc ở với cô Bình, được 3 tháng thì đất nước giải phóng, cô Bình gửi cháu trả lại cho chúng tôi”.
Tác giả bài viết và nhân vật bên mộ cụ Phan.
Trông coi di tích
Nhà cách mạng Phan Chu Trinh sau nhiều năm bị tù đày và bôn ba ở nước ngoài, năm 1925 đã về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào yêu nước chống Pháp và ông đã mất bị bệnh tật năm 1926 tại Sài Gòn. Nơi yên nghỉ của cụ vẫn là địa chỉ viếng thăm của những người yêu nước và các bạn trẻ.
Trước kia, ngôi mộ nằm chung trong nghĩa địa của người dân Gò Công. Cô Tư cho biết: “Nhà nước đã cho dời 200 ngôi mộ ra khỏi khu vực nghĩa trang để tôn tạo nên khu di tích tưởng niệm cụ Phan như ngày nay”. Khu di tích được hoàn thành năm 1992. Cô Tư kể: “Chồng tôi là Nguyễn Đông Hà quản lý di tích cho đến lúc mất năm 1995. Tôi được chị Bình giao cho việc tiếp tục trông coi”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người đốt cây nhang đầu tiên cho cụ Phan khi di tích mới hoàn thành. Đại tướng kể rằng lúc đi học ở Huế, đã tổ chức lễ truy điệu cụ Phan.
"Kể công là có tội với anh em đã hi sinh, làm được gì thì làm - lúc hoạt động tôi được các anh chị dạy như vậy".
Cô Tư Sương (Lê Thị Sáu)
Khu lưu niệm cụ Phan Chu Trinh ở Sài Gòn gồm một tòa nhà văn phòng đã cũ, một cái nhà kho đã hỏng, một cái nhà thờ và khu lăng mộ. Khu lưu niệm khá giản dị, nhưng phong cảnh rất đẹp lúc chiều tà. Cứ có khách thăm là cô lại từ trên gác xuống tiếp, dù khách là ai.
Cô dẫn tôi ra thăm ngôi mộ cụ Phan, nơi có tấm bia lớn đề là “Quốc dân đồng phụng lập” (Khi ấy nhân dân cả nước góp tiền để lo đám tang cho ông), dưới bia ghi tên ba người lập bia là Hồ Tá Bang, Trần Đình Phiên, Huỳnh Đình Điển. Trên bia khắc bài điếu của cụ Huỳnh Thúc Kháng soạn đề Sài Gòn ngày 2/8/1926 có câu: “Than ôi! Non sông nặng gánh, son sắt một lòng, trong 20 năm hết xứ này qua xứ khác, khỏi nạn nọ đến nạn kia, biết bao nguy hiểm đắng cay, mà nghị lực hùng tâm vẫn trước sau như một, đến lúc tóc bạc răng long còn muốn thiệt hành cái chủ nghĩa dân chủ để cứu vớt đồng bào”.
Cô Tư nhiều năm trông coi di tích nên nắm giữ nhiều tư liệu và câu chuyện về cuộc đời cụ Phan. Tôi được cô cho cuốn sách tư liệu có nói về một trong những người dựng tấm bia cụ Phan là ông Trần Đình Phiên, vốn là thông gia với gia đình chúng tôi. Rồi cô đưa tôi vào nhà lưu niệm, cho xem đôi câu đối của cụ Nguyễn Sinh Huy (thân sinh của Bác Hồ) viếng cụ Phan Chu Trinh (hai người cùng đậu phó bảng trong kỳ thi năm 1901). Câu đối viết: “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức/ Tây phương tịnh độ hậu siêu sinh” khẳng định Phan Chu Trinh là người đầu tiên tổ chức phát triển tư tưởng dân quyền ở Việt Nam và sẽ siêu thoát trong cõi Phật.
Hằng ngày cô tiếp khá đông khách tham quan, phần nhiều họ là trí thức, nhiều người ở nước ngoài. Người “hướng dẫn viên” đặc biệt ấy bảo tôi: “Kể công là có tội với anh em đã hi sinh, làm được gì thì làm - lúc hoạt động tôi được các anh chị dạy như vậy. Bây giờ xong việc cơ quan rồi, về hưu trông coi di tích lịch sử của cụ Phan, chỉ lo phục vụ cho khách tham quan và các bạn trẻ đến nghiên cứu học tập tấm gương yêu nước của cụ Phan”. Cô Tư Sương cho tôi xem cuốn sổ lưu niệm, có nét chữ của Tổng lãnh sự Nhật Bản viết rằng: “Tôi đã tìm hiểu được lịch sử Việt Nam giành độc lập quá trình lâu dài. Mong rằng nước Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa”. Một bạn trẻ tên là Furusawa từ Tokyo, Nhật Bản cũng viết: “Hôm nay tôi thật sự cảm động và nghĩ ra rằng tôi mong muốn kế thừa tâm hồn của ông Phan Chu Trinh là một người đã đấu tranh suốt đời cho độc lập và thống nhất của nước Việt Nam”. Đọc những dòng ấy, tôi thấy cô Tư mỉm cười mãn nguyện.
12/2015