Người hâm mộ cùng lúc phải tiễn biệt 'Tượng đài nhan sắc' và 'Vua nhạc sến'

TPO - Trong cùng một ngày, người hâm mộ đã phải tiễn biệt “Tượng đài nhan sắc” Thẩm Thuý Hằng và “Vua nhạc sến” Vinh Sử.

2 đám tang người nổi tiếng trong 1 ngày

“Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thuý Hằng là người gốc Hải Phòng, theo cha mẹ vào Nam từ nhỏ. Năm 1957, Thẩm Thuý Hằng đã gây ấn tượng với người xem khi đóng vai Tam Nương trong bộ phim Người đẹp Bình Dương. Với nhan sắc nổi bật cùng vai diễn xuất sắc trong phim, Thẩm Thuý Hằng đã được khán giả ưu ái gọi biệt danh là “Người đẹp Bình Dương”. Từ đó, Thẩm Thuý Hằng trở thành ngôi sao màn bạc, chuyên đóng những vai diễn ấn tượng và “Người đẹp Bình Dương” không phụ lòng tin của người yêu điện ảnh khi cô luôn toả sáng trong những bộ phim như: Nàng, Trà Hoa Nữ, Đôi mắt huyền, Như hạt mưa sa, Điệp vụ tìm vàng, Sóng tình, Tứ quái Sài Gòn...

Thẩm Thuý Hằng

Thẩm Thúy Hằng hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc, Ảnh hậu Á châu trong Liên hoan phim Á châu tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc). Với nhiều người miền Nam trước 1975, Thẩm Thuý Hằng được coi là "Tượng đài nhan sắc” bởi vẻ đẹp khuynh thành. Thậm chí, vẻ đẹp đó còn được đưa vào thơ văn, thành câu cửa miệng của rất nhiều người khi muốn so sánh sắc đẹp của ai đó họ đều nói: “Đẹp như Thẩm Thuý Hằng”.

Tương tự, nhạc sỹ Vinh Sử từng trên đỉnh vinh quang, được coi là “Vua nhạc sến” bởi sự thành công trong sáng tác âm nhạc của ông. Vinh Sử sinh ra tại quận 4 nhưng quê gốc của cha mẹ lại ở Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Tuy ít học nhưng do đam mê với âm nhạc nên Vinh Sử tự mày mò học đàn rồi sáng tác. Nhiều sáng tác của ông rất ăn khách như Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng, Đêm lang thang, Chuyến xe lam chiều, Vòng nhẫn cưới, Đoạn buồn đêm mưa, Qua ngõ nhà em, Hai mái nhà tranh, Không giờ rồi, Làm dâu xứ lạ, Mưa bụi, Trách người trong mộng, Quên cây cầu dừa, Nối lại tình xưa

Nhạc sỹ Vinh Sử

Những sáng tác của Vinh Sử được nhiều người ưa thích bởi ca từ giản dị, giai điệu mộc mạc và người nghe có thể tìm thấy sự sẻ chia, đồng điệu. Những ca khúc của ông dường như thay cho những lời tự sự của những chàng trai mang thân phận nghèo khó, mặc cảm trước cuộc đời và chỉ biết gửi tâm sự của mình qua các ca khúc của Vinh Sử. Vì thế Vinh Sử đã được mọi người gọi là “Vua nhạc sến”.

Đám tang Vinh Sử với những vòng hoa trắng

Chính vì đám tang cả 2 người nổi tiếng được tổ chức gần như cùng thời điểm nên nhiều người hâm mộ, đồng nghiệp đã cố gắng tranh thủ để có mặt tiễn biệt 2 nghệ sĩ.

Nghệ sĩ trẻ Hồng Phước cho biết: “Những nghệ sỹ tiền bối như Vinh Sử hay Thẩm Thuý Hằng luôn được chúng em kính phục bởi tài năng và những đóng góp cho nghệ thuật. Chúng em tới thắp nén nhang để chia sẻ với gia đình, với những đồng nghiệp vì sự mất mát này”.

Đám tang nghệ sỹ Thẩm Thuý Hằng được tổ chức từ ngày 10/9 tới 11/9 tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (Quận Gò Vấp- TPHCM). Sáng ngày 12/9, gia đình sẽ tổ chức lễ di quan và linh cữu của cố nghệ sỹ được hỏa táng tại nhà Tang lễ Phúc An Viên (Thành phố Thủ Đức- TPHCM).

Đám tang nhạc sỹ Vinh Sử được tổ chức từ ngày 10/9 tới ngày 14/9 tại nhà riêng thuộc quận Bình Tân (TPHCM). Lễ động quan sẽ được tiến hành vào sáng 15/9, sau đó thi hài “Vua nhạc sến” sẽ được an táng tại Nghĩa trang Hoa Viên (Bình Dương).

Nghệ sỹ Mộng Tuyền chia buồn với người thân của Thẩm Thuý Hằng

Di sản của “Nữ hoàng” và “Vua”

Sau khi bị biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ, Thẩm Thuý Hằng sống khá kín tiếng. Nhưng bà không chọn cách sống ẩn dật mà lại tập trung cho các hoạt động thiện nguyện. Bà đi làm công quả ở chùa, tổ chức quyên góp và đi trao tặng cho những người nghèo.

Nguyễn Xuân Ái Quốc (Con trai Thẩm Thuý Hằng) cho biết mẹ anh không ra nước ngoài sinh sống cùng con cháu vì “Mẹ tôi nói muốn cống hiến và làm từ thiện tại Việt Nam, muốn đóng góp chút công sức của mình cho quê hương. Vì Việt Nam chính là nơi đã cho mẹ danh tiếng lẫy lừng”. Và trong đám tang của minh tinh, gia đình cũng thực hiện theo lời di chúc của Thẩm Thuý Hằng khi để trên thùng phúng điếu dòng chữ: “Theo nguyện vọng của người quá cố. Toàn bộ số tiền phúng điếu được làm từ thiện”.

Hoàn cảnh "Vua nhạc sến" khi về già

Còn với Vinh Sử, dù về già cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng khi trên giường bệnh trong những ngày cuối đời, "Vua nhạc sến" vẫn dặn dò người thân sẽ dùng số tiền quyên góp được người hâm mộ ủng hộ để lập Quỹ thiện nguyện mang tên ông. Vinh Sử mong muốn quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các nhạc sĩ nghèo, cho các tài năng nghệ thuật có cơ hội được làm nghề, được cống hiến cho nghệ thuật.

Theo nghệ sỹ Lê Ngọc Sơn, di sản để lại của các nghệ sỹ không chỉ ở những vai diễn, những sáng tác để đời mà còn là sự lo toan, trách nhiệm của họ với cộng đồng, với những thế hệ đi sau. “Tấm lòng của cả 2 nghệ sỹ đều rất quý, rất đáng trân trọng mà thế hệ sau như chúng tôi sẽ phải học tập theo” - Lê Ngọc Sơn cho biết.