Người đến muộn với bóng đá Việt

TP - Khi được hỏi “Khi bóng đá Việt đang thăng hoa ở Thường Châu (Trung Quốc) thì anh ở đâu?” Nguyễn Á trả lời: “Tôi đang ở Sài Gòn. Vì ban đầu không nghĩ là đội U23 lại đá lên chân như thế nên không quan tâm nhiều lắm. Tới khi đội vô vòng 2 rồi thắng liên tiếp mấy trận, tôi mới tính chuyện bay qua Thường Châu nhưng đã muộn. Nhưng muộn cũng có cách của muộn”.
Khoảnh khắc xúc động khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ôm hôn HLV Park Hang Seo

Nhiếp ảnh gia của những dự án cộng đồng

Sinh ra trong một gia đình có đến 11 anh chị em, Nguyễn Á có một tuổi thơ đầy vất vả.  “Từ nhỏ tôi làm đủ thứ nghề để mưu sinh và phụ cho gia đình, từ bán quán cơm đến cháo vịt, rồi quay qua bán kem, buôn ve chai, đi giao báo... Có lẽ nhờ những tháng năm đó mà sau này dù gặp khó khăn gì, tôi cũng không quản ngại”- Nguyễn Á tâm sự. Cũng nhờ nghề giao báo mà Nguyễn Á được đọc báo miễn phí và mê được ôm máy đi chụp ảnh như các anh nhà báo. Nguyễn Á cũng tập tành ôm máy ảnh đi chụp dạo. Có thời, ảnh Nguyễn Á được nhiều tòa soạn chọn đăng vì những bức ảnh có tính thời sự. “Tôi nhận lời làm cộng tác viên các báo vì nghề của tôi suốt ngày ngoài đường, thấy gì có tính thời sự là tôi chụp, tôi gửi báo ngay”- anh chia sẻ.

Năm 18 tuổi, nhờ to khoẻ lại thích thể thao nên Nguyễn Á được chọn vào đội tuyển bóng ném TPHCM. Mấy năm tập luyện và thành công khi là thủ môn chính của đội, tưởng chừng sẽ gắn Nguyễn Á với thể thao, đột nhiên Nguyễn Á xin bỏ đội tuyển, trở về với nghiệp ôm máy ảnh đi lang thang. Nguyễn Á tâm sự: “Chia tay sân bóng cũng buồn lắm nhưng biết làm sao được khi nhiếp ảnh hút hồn tôi rồi. Tôi có thể bỏ cả tuần để chờ chụp cho được  khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên. Có thể chạy xe máy cả trăm cây số chỉ để chụp một sự kiện văn hoá. Cuộc đời mình thì chỉ có một, nên tôi chọn sống với đam mê”. 

Vào nghề muộn, chung quanh Nguyễn Á lại có nhiều nhiếp ảnh gia tiếng tăm khác nên muốn vươn lên, Nguyễn Á phải chọn một hướng đi khác biệt. Nguyễn Á thường một mình bôn ba khắp nơi với chiếc xe máy phân khối lớn là bạn đồng hành. Rồi từ những chuyến đi, Nguyễn Á đã tìm được cảm hứng rất riêng, rất khác biệt để cho ra những dự án cộng đồng mang thương hiệu Nguyễn Á … Đó là nguyên nhân những triển lãm ảnh của Nguyễn Á có sự khác biệt như Triển lãm Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh (2007), Họ đã sống như thế (2009), Tâm và tài - Họ là ai? (2013)… Trong đó, triển lãm Họ đã sống như thế của Nguyễn Á đã được giới chuyên môn đánh giá cao về sự đầu tư cũng như sự sáng tạo đầy tính nghệ thuật về những người khuyết tât. Mấy năm trời đi theo những người khuyết tật, Nguyễn Á đã ghi lại rất nhiều ảnh về cuộc sống của họ, từ những sinh hoạt hàng ngày tới lúc làm việc, ăn uống, vui chơi…. Nguyễn Á lựa chọn 90 bức ảnh tiêu biểu nhất của 90 nhân vật để làm một triển lãm về người khuyết tật khiến nhiều người xem đã rơi nước mắt. Dưới góc nhìn của Nguyễn Á, hình ảnh người khuyết tật hiện lên với những nghị lực phi thường, với sự quyết tâm mạnh mẽ để làm chủ bản thân, để làm người có ích cho xã hội.

 Rồi khi UNESCO vinh danh các Di sản văn hoá phi vật thể tại Việt Nam, Nguyễn Á lại vào Nam ra Bắc nhiều lần để thực hiện bộ ảnh Di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam. Hơn 3 năm với hàng trăm chuyến đi, Nguyễn Á đã thành công khi ghi lại hình ảnh 11 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận. Đến giờ Nguyễn Á đã ra được 8 cuốn sách ảnh cũng như tổ chức được trên 10 cuộc triển lãm ảnh với các chủ đề không chỉ ghi dấu ấn nghệ thuật mà còn mang tính cộng đồng cao. Nhưng Nguyễn Á chưa muốn dừng lại. Hiện Nguyễn Á đang đi theo những dự án như: Những dấu ấn thầm lặng của phụ nữ Việt Nam mà anh sẽ ra mắt vào cuối năm 2019.

Người vẽ câu chuyện“Cổ tích Thường Châu”

Khi đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam dự chung kết giải U23 châu Á diễn ra tại Thường Châu (Trung Quốc), như nhiều người khác, ban đầu Nguyễn Á cũng chỉ nghĩ đội tuyển Việt Nam cũng sẽ bị loại như nhiều giải lần trước. Nhưng, hơn cả cổ tích, tuyển U23 Việt đã có những chiến thắng liên tiếp để vào tới trận Chung kết. Máu nghề nổi lên, Nguyễn Á muốn bay qua Thường Châu ngay nhưng không xoay nổi vé. Nhưng Nguyễn Á không nản lòng: “Tôi đã gặp hoàn cảnh như thế này rất nhiều. Không đi được thì tôi có cách làm riêng của tôi”. Và Nguyễn Á vác máy ra phố đi bộ Nguyễn Huệ- Nơi có nhiều màn hình lớn và tập trung rất nhiều người hâm mộ theo dõi trận Chung kết U23 Việt Nam và Uzbekistan tại Thường Châu. 

Từ cách chọn lựa độc đáo này, Nguyễn Á ghi nhận không khí bóng đá rực lửa của người hâm mộ trên phố đi bộ. Không chỉ thế, trong màu cờ - màu áo đỏ rực của hàng ngàn cổ động viên Nguyễn Á vẫn kịp bắt được những khoảnh khắc đầy xúc động của những cầu thủ Việt Nam đang chiến đấu giữa bão tuyết Thường Châu thông qua…màn hình led. Nguyễn  Á kể  “Dù có hơi tiếc vì không có mặt trực tiếp trên sân bóng, nhưng không đi cũng có cái hay của việc không đi. Những khoảnh khắc tôi chụp với góc nhìn riêng vẫn được mọi người ghi nhận”. Ngay trong đêm Chung kết đó, Nguyễn Á vội vã bay ra Hà Nội để kịp chụp những khoảnh khắc khi đội tuyển Việt Nam về nước. Vừa máy ảnh vừa máy Plycam, Nguyễn Á xoay xở để có bộ ảnh tuyệt vời ghi nhận tấm lòng của người hâm mộ đón chờ đội tuyển về nước. Và dù không có mặt ở Thường Châu nhưng bộ ảnh của Nguyễn Á đã được giới làm nghề công nhận bởi nó có sự khác biệt so với nhiều bộ ảnh khác. 

Kể từ ngày đó, Nguyễn Á đã không xa rời đội tuyển bóng đá Việt Nam. Các giải sau này Nguyễn Á đều đi theo đội bóng. Từ  giải U23 châu Á 2018 đến giải AFF Cup 2018, rồi giải ASIAD 2018, tới giải vòng loại World Cup. Hơn một năm trời lặn lội với bóng đá, Nguyễn Á đã ra mắt tập sách ảnh “2018 - Dấu ấn lịch sử bóng đá Việt Nam”. Theo Nguyễn Á, cuốn sách không chỉ ghi lại những khoảnh khắc chói sáng, làm lên lịch sử của bóng đá Việt Nam mà đây còn là khúc ca của lòng tự hào dân tộc...

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan, một tấm gương về nghị lực và sáng tạo, từng là nhân vật trong triển lãm của Nguyễn Á, chia sẻ: “Mỗi cuộc triển lãm của Nguyễn Á là một công trình độc đáo từ ý tưởng đến cách tiếp cận công chúng. Ðó là kết quả của hàng trăm chuyến đi tới khắp mọi vùng miền của đất nước, tới mọi ngõ ngách của cuộc sống, là sự chắt chiu và đầu tư không mỏi mệt”.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á