Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đánh giá rất cao đóng góp của bà Nhàn cho sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Theo ông Umeda Kunio, bà Nhàn có nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực này.
Thứ nhất, cống hiến hết mình cho việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị thân thiện giữa Nhật Bản và Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong nhiều việc mà bà Nhàn làm được trong lĩnh vực này, có hai việc nổi bật.
Việc thứ nhất là bà Nhàn và Tập đoàn AIC với tư cách là đơn vị hợp tác phía Việt Nam đã hỗ trợ cho cuộc thi hùng biện tiếng Nhật được Trung tâm hỗ trợ Sinh viên Nhật Bản (NASIS) tổ chức cho sinh viên Việt Nam từ 2003, đến nay đã 16 lần tổ chức.Bên cạnh đó, mỗi năm bà Nhàn tạo cơ hội cho 40 sinh viên Việt Nam trong đó có người đoạt giải nhất cuộc thi trên sang thăm Nhật. Đến nay đã có 700 sinh viên Việt Nam được mời sang thăm Nhật Bản.
Việc thứ hai là vai trò nhà tài trợ chính cũng như điều hành toàn bộ nhiều lần Lễ hội Hoa anh đào tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... từ năm 2012 đến nay.
Lễ hội này thu hút hàng trăm nghìn lượt người mỗi lần tổ chức, được truyền hình trực tiếp... được coi là đã thúc đẩy mạnh mẽ hiểu biết về Nhật Bản ở Việt Nam.
Thứ hai, bà Nhàn có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Theo sáng kiến của bà Nhàn, từ năm 2014, Tập đoàn AIC đã tổ chức thường niên hội nghị xúc tiến đầu tư từ Nhật vào Việt Nam tại 2 – 3 thành phố lớn của Việt Nam.
Trong 5 năm tổ chức, hội nghị đã thu hút sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản, đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao...
Tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam năm ngoái (9,1 tỷ đô la) và nửa đầu năm nay (6,5 tỷ đô la) đứng đầu trong tất cả cả các nước. Thành tựu này được Đại sứ Nhât Bản đánh giá là có sự đóng góp rõ nét của bà Nhàn.
Thứ ba, theo Đại sứ Umeda Kunio, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhà có những đóng góp quan trọng trong phát triển hợp tác y tế giữa Nhật Bản và Việt Nam. Bà Nhàn đã tham gia hỗ trợ người Việt mắc bệnh hiểm nghèo khám chữa bệnh tại Nhật Bản. Đặc biệt là hỗ trợ ký kết các hợp tác y tế dài hạn trong việc nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; đưa các bác sĩ giỏi của Nhật sang Việt Nam chữa các ca bệnh hiểm nghèo cho nhiều người nghèo ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực y tế, hiện giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có 150 dự án hợp tác. Trong cuộc hội đàm cấp cao tại Tokyo vào tháng 10 năm nay, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí tăng cường hợp tác y tế giữa hai nước trên cơ sở sáng kiến “Sức khoẻ châu Á” do Nhật đề xướng. Bên cạnh đó, bà Nhàn và AIC còn đưa vào Việt Nam các kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản tỏng lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường, khoa học giáo dục, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam.
Đại sứ Umeda Kunio cho rằng những hoạt động trong lĩnh vực y tế của Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong suốt 10 năm qua có một ý nghĩa hết sức quan trọng tạo nền tảng hợp tác y tế Việt - Nhật.
Đại diện Chính phủ Nhật Bản sang Việt Nam tham dự sự kiện này, ông Iijima Isao - Cố vấn đặc biệt của Nội các Nhật Bản đã nói nhiều lời tốt đẹp về nữ Chủ tịch của AIC.
Thành tích của bà Nhàn, theo ông Iijima Isao, đặc biệt đến mức bà là người nước ngoài đầu tiên dưới 50 tuổi được nhận Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản kể từ khi Huân chương này được trao từ 1785 đến nay – điều mà ông Iijima Isao nghĩ rằng khó lặp lại. Ông cho biết, khi xét hồ sơ của bà Nhàn, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đã hỏi có nhầm không khi đọc đến năm sinh của bà.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Hoàng Bình Quân, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đều đánh giá rất cao tài năng và những đóng góp nhiều mặt của bà Nhàn.
Tham dự buổi lễ, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đã tặng các món quà lưu niệm đầy ý nghĩa cho Cố vấn đặc biệt Iijima Isao và Đại sứ Umeda Kunio.
Năm 2018 là một năm thành công đặc biệt đối với nữ viện sĩ, tiến sĩ, doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Là viện sĩ Viện hàn lâm quốc tế về nghiên cứu hệ thống của Liên bang Nga, đầu tháng 11 này, bà được Viện này trao quyết định bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch và đứng đầu phân viện tại Việt Nam. Trước đó khoảng 1 tháng, bà Nhàn đã giành được giải thưởng “Ý tưởng và Mô hình Quốc gia Thông minh xuất sắc nhất” tại lễ trao giải Cuộc thi toàn cầu về ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh tổ chức tại Anh.
Xa hơn nữa, bà được bình chọn là "Doanh nhân ASEAN tiêu biểu nhất", "Phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017" (Forbes bình chọn), Ngôi sao Vernadsky (Viện hàn lâm quốc tế về nghiên cứu hệ thống của Liên bang Nga tặng), Giải thưởng Sao Đỏ, Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu...