Hồ sơ lưu trữ của cơ quan mật vụ phát xít Đức (Gestapo), bị Hồng quân Liên Xô thu giữ sau khi Thế chiến II kết thúc, cho thấy từ năm 1933 đến 1944 đã có tổng cộng 38 vụ mưu sát Adolf Hitler. Điển hình là vụ gài mìn đầu tiên khiến Hitler thoát chết trong “đường tơ kẽ tóc”, do Johann Georg Elser (1903-1945) thực hiện vào đầu tháng 11/1939, diễn ra ngay tại hang ổ của đảng Quốc xã do A. Hitler đứng đầu.
Ông J. Elser chào đời ngày 4/1/1903 ở thành phố Hermaringen, thuộc bang Baden-Wuerttemberg phía tây nam nước Đức. Tuổi thơ ấu của J. Elser trôi qua trong những năm tháng cực kỳ khốn khó, đến lúc trưởng thành lại gặp phải cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933), cũng là nguyên nhân chính khiến mầm mống chủ nghĩa phát xít được dịp bùng phát.
Trong thời gian theo học ngành cơ khí chế tạo đồng hồ ở Trường Kỹ thuật Munich, J. Elser được người bạn cùng phòng vốn là một cảm tình viên Đảng Cộng sản giác ngộ, nhận thức rõ nguy cơ chiến tranh thế giới đang cận kề do những kẻ hiếu chiến trong đảng Quốc xã đương quyền khởi xướng.
"Để góp phần ngăn chặn cuộc chiến tang thương sắp xảy ra, cách duy nhất là phải tiêu diệt bằng được tên trùm phát xít Hitler và đám thuộc hạ thân cận của hắn", J. Elser nhận định rồi âm thầm bắt tay vào thực hiện kế hoạch ám sát.
Để có tiền trang trải học phí, J. Elser thường phải làm thêm vào dịp nghỉ hè tại một khu mỏ khai thác đá ở ngoại ô Munich. Elser đã tận dụng cơ hội này để học cách thức chế tạo mìn phá đá với công suất cực mạnh, cũng như tích trữ lượng thuốc nổ TNT cần thiết.
Quán bia Burgerbraukeller là nơi giới chóp bu Quốc xã thường tụ tập.
Song song là việc điều nghiên địa điểm dự định gài mìn. Sau giờ tan học hàng ngày, Elser thường lai vãng đến quán bia Burgerbraukeller nằm ngay trong khu trung tâm Munich, nơi tụ tập của giới lãnh đạo đảng Quốc xã kể từ sau "cuộc bạo động rượu bia" cuối năm 1933 đưa A. Hitler lên nắm quyền vào đầu tháng 8/1934. Elser cố tình nấn ná ở lại sau khi quán đã đóng cửa, trốn xuống dưới tầng hầm chọn vị trí thuận lợi để chôn quả mìn ở ngay dưới chân một chiếc cột đỡ trần mái gần bục chính của quán, đây là nơi giới chóp bu của chủ nghĩa phát xít thường tụ tập.
Qua thông tin từ các sĩ quan SS, Elser biết được vào buổi tối ngày 8/11/1939, Hitler sẽ xuất hiện với bài phát biểu đánh dấu dịp kỷ niệm 5 năm sự kiện "cuộc bạo động rượu bia", cũng như ca ngợi tinh thần "bách chiến bách thắng" của quân đội Quốc xã sau khi nuốt chửng đất nước Ba Lan đúng 2 tháng trước, mở đường cho công cuộc "chinh phạt châu Âu và thế giới" của Đệ tam đế chế. Elser liền cài đặt chế độ hẹn giờ trái mìn sẽ phát nổ ngay khi Hitler và bộ sậu đang có mặt…
Cảnh hiện trường tan hoang sau vụ nổ mìn tại quán bia Burgerbraukeller.
Nhưng ngẫu nhiên do có việc đột xuất nên Hitler đã rời quán bia sớm 13 phút, trước khi quả mìn được kích hoạt vào lúc 21 giờ, phá sập một phần trần mái chính. Tuy Hitler thoát chết, nhưng 7 nhân vật cao cấp của đảng Quốc xã cùng 62 người khác bị thương nặng...
Để tránh việc truy lùng của mật vụ Gestapo, Elser nhanh chân rời khỏi Munich và tới biên giới Thụy Sĩ cả tiếng đồng hồ trước khi khai hỏa trái mìn. Để hợp thức hóa lý do đoàn tụ với cô vợ Mathilde Niedermann và cậu con trai Manfred đang sinh sống tại Geneva, Elser đã mang theo các tài liệu liên quan đến vụ mưu sát nhằm chứng minh với giới chức Thụy Sĩ vốn trung lập sẽ đồng ý cho mình được tị nạn. Nhưng anh đã bị lính biên phòng Quốc xã bất ngờ chặn lại khi vẫn còn trên đất Đức khám xét và tìm ra các bằng chứng chứng tỏ J. Elser là người tổ chức và thực hiện cuộc ám sát "động trời".
Elser bị dẫn giải về Berlin giao cho Gestapo và bị biệt giam hơn 5 năm tại một nhà tù bí mật, trước khi chuyển đến trại tập trung Sachsenhausen, ngoại thành Berlin, rồi tới trại tập trung Dachau ở bang Baravia là 2 địa điểm chuyên giam giữ các quân nhân Đức đào ngũ và phản bội chính thể Quốc xã. Ngày 9/4/1945, đúng một tháng trước khi quân đội Hitler chấp nhận buông súng đầu hàng vô điều kiện, Elser đã bị phát xít Đức tử hình.
Cho đến thời điểm cuối thập niên 50 thế kỷ trước, nhiều sử gia Đức vẫn tin rằng vụ đánh bom quán bia Burgerbraukeller là do tình báo Anh thực hiện thông qua "điệp viên nằm vùng" Elser. Chỉ tới khi phía Liên Xô cho công bố hồ sơ lưu trữ tuyệt mật của Gestapo, vụ việc mới được sáng tỏ. Elser chính là người tự tổ chức vụ mưu sát Hitler đầu tiên bằng mìn hẹn giờ.
Năm 1998, nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Elser, Tòa Thị chính thành phố Hermaringen đã long trọng tổ chức lễ khánh thành tấm biển bằng đồng, khắc ghi công lao của Elser được gắn ngay mặt tiền lối vào ngôi nhà nơi ông sinh thành. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của Elser vào ngày 9/4 vừa qua, Chính phủ CHLB Đức đã quyết định thành lập giải thưởng dân sự mang tên Johann Georg Elser, tôn vinh lòng dũng cảm của các công dân đã hy sinh vì đồng loại.