> Tổng thống Syria bác đề nghị vùng đệm nhân đạo
Số người tị nạn đã đăng ký và chờ đợi đăng ký đã đã vượt quá 235.000 người, gấp nhiều lần so với con số 20.000 người thiệt mạng kể từ tháng 3 năm ngoái.
Trong số những nước giáp giới với Syria, Iraq là một trong những nước hứng chịu làn sóng người tị nạn Syria nhiều hơn hết.
Theo số liệu của UNHCR, nếu vào đầu tháng 8 trung bình mỗi tuần có 500 người Syria chạy sang Iraq thì hiện nay, con số đó không phải mỗi tuần mà là mỗi ngày.
Trước tình hình nguy cấp ở Syria, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thẳng thừng kêu gọi Cộng đồng quốc tế can thiệp vào vấn đề Syria, trong khi đó ông Lakhdar Brahimi, Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn A Rập về vấn đề Syria lại luôn luôn khẳng định tương lai và số phận Syria hoàn toàn nằm trong tay người dân Syria.
Tại Jordanie, nơi đã có 77.000 người Syria sang lánh nạn, làn sóng tị nạn vẫn tiếp tục gia tăng. Mỗi ngày có tới 1.000 người Syria vượt qua biên giới sang Jordanie. Chính quyền Jordanie đang chuẩn bị thu xếp nơi ăn chốn ở cho 150.000 người tị nạn Syria.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã có hơn 80.000 người tị nạn Syria. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang lập kế hoạch thu xếp nơi ăn chốn ở cho ít nhất là 150.000 người tị nạn nếu tình hình Syria tiếp tục xấu đi.
Tại Lebanon hiện đã có gần 60.000 người tị nạn Syria. Làn sóng tị nạn tăng vọt đã khiến Cao ủy tị nạn LHQ cách đây vài ngày đã phải mở trung tâm lưu động đăng ký những người Syria tị nạn tại Lebanon.
Trước tình hình nghiêm trọng ấy, vấn đề người tị nạn đã trở thành chủ đề chính trong cuộc thảo luận hôm 4 - 9 giữa Tổng thống Syria Bashar Assad và Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ quốc tế (ICRC) Peter Maurer.
Tổng thống Assad hoan nghênh việc ICRC mở rộng các chiến dịch nhân đạo ở Syria. Đồng thời ông cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ hoạt động nhân đạo của ICRC chừng nào hoạt động này vẫn “độc lập và trung lập”.
Trong khi tình hình chiến sự ở Syria vẫn tiếp tục nóng bỏng và Cộng đồng quốc tế vẫn bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thậm chí đã buộc phải lên tiếng kịch liệt chỉ trích HĐBA vì đã “bất động” trong việc giải quyết tình hính Syria.
Ông Ban Ki-moon tuyên bố việc HĐBA “tê liệt” đang gây đau khổ cho nhân dân Syria và làm suy giảm niềm tin vào chính cơ quan này. Ông tin rằng vào thời điểm hiện nay, những quốc gia có ảnh hưởng lớn trong HĐBA cần thi hành những biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình hình Syria.
Trước đó, khi phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ ngày 3- 9, Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn A Rập về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi cũng thừa nhận tình hình nhân đạo ở Syria đang xấu đi theo cấp số nhân.
Vũ Việt
Theo Gazeta.ru và Lenta.ru