Những ngày này, người nuôi ngao tại thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ tập trung tại bãi nuôi cố gắng bòn mót những con ngao còn sống để bán với giá rẻ hy vọng kiếm thêm vớt vát lại chút vốn. Tháng 7 vừa qua, ông Lê Văn Thuận bỏ ra hơn 500 triệu đồng để nuôi 2,4 ha.
“Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chưa bao giờ ngao chết dày đặc thế này. Gần 1 tỷ đồng mất trắng nay phải bỏ thêm tiền thuê người và máy thu gom xác ngao chết”, ông Thuận cho biết.
Cùng chung khó khăn với ông Thuận, bà Lê Thị Dung nuôi 0,5 ha ngao, với chi phí mua ngao giống hết hơn 200 triệu, sau 2 năm thả nuôi, nay đã vào vụ thu hoạch thì bất ngờ ngao chết trắng bãi.
“Những lần trước ngao chết rải rác người nuôi còn vớt vát được chút ít để kiếm lại tiền vốn. Lần này ngao chết gần như trắng bãi nên người nuôi trắng tay. Hy vọng thu về 300 triệu đồng cho vụ nuôi này mất trắng”, bà Dung nói.
Theo các hộ nuôi ngao tại đây, nguyên nhân dẫn đến việc ngao nuôi chết hàng loạt trắng bãi do mưa lũ nước ngọt chảy về lớn cuốn theo nhiều chất bẩn ô nhiễm tích tụ từ lâu nên ngao chết vì sốc nước ngọt và do môi trường ô nhiễm.
Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ, ông Phạm Trọng Hợp cho biết, theo thống kê tại thôn Mai Lâm có khoảng 80 ha của 36 hộ nuôi ngao giống và ngao thương phẩm với mức độ chết phổ biến từ 70 – 80%, có nơi chết gần như 100%.
Ước tính mỗi ha ngao bình quân thu về 40 tấn ngao thương phẩm, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Tính ra, toàn khu vực nuôi 80 ha thì thiệt hại ước khoảng 40 tỷ đồng. Lãnh đạo xã Mai Phụ nhận định ngao chết do nước mưa lớn nhiều ngày nên nước ngọt tràn về từ ngày 8 đến 12/9.
“Do thiệt hại quá lớn nên chính quyền kiến nghị lên huyện và các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ, động viên bà con để sớm ổn định nuôi trồng trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ nói.
Ngày 16/9, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà và UBND xã Mai Phụ lấy mẫu ngao, mẫu nước cùng bùn đất tìm nguyên nhân hàng chục ha ngao nuôi bị chết ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ.
Sau đợt lũ lụt vừa qua, hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng bè trên địa bàn Hà Tĩnh cũng bị thiệt hại nặng do nước bị ngọt hóa kèm thảm thực vật ngâm lâu ngày trong nước gây ô nhiễm nguồn nước làm cá chết hàng loạt.