Cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch, người dân ở nhiều nơi bắt đầu vào vụ "săn rồng đất". Loài "rồng đất" này là con rươi - sinh vật thân mềm và được xem như thứ đặc sản mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người.
Rươi là loài nhuyễn thể, nhiều đốt, phần lưng trên của rươi được bao phủ bởi một lớp tơ dài và dày. Rươi có nhiều màu như hồng, trắng, nâu... Loài rươi thường sống trong môi trường nước mặn hoặc nước lợ như các vùng giáp cửa biển: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An...
Kể từ đầu tháng 10 âm lịch, người dân tại xã Yên Đức, Đông Triều, Quảng Ninh lúc nào cũng tất bật tay sào, tay xô, lội bì bõm trên các thửa ruộng để "vớt lộc trời". Rươi thường nổi nhiều vào ban đêm nên nhiều hôm, cứ nửa đêm dân làng lại rọi đèn sáng đồng để vớt.
Để việc "thu hoạch" rươi dễ dàng hơn, người dân ở đây tự chế những chiếc sào dài khoảng 2m, có khoanh lưới ở đầu sào. Với những chiếc sào này, người dân không phải "khom lưng, cúi người" để vớt từng con rươi bơi trên mặt nước.
Chị Bùi Thị Như (xã Yên Đức, huyện Đông Triều) cho biết: "Cứ đến đầu tháng 10, rươi bắt đầu xuất hiện và người dân quanh đây lại ra vớt. Ngày trước, khi những món ăn về rươi còn chưa thịnh hành như bây giờ, người dân chỉ bắt về sử dụng trong gia đình hoặc làm mắm để dành. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, rươi trở thành đặc sản, lượng người sử dụng cũng tăng lên, người dân tranh thủ vớt về cấp đông để bán cho những người có nhu cầu".
Khi rươi trở thành đặc sản, giá trị của nó tăng gấp đôi, gấp ba và được thương lái thu mua tại ruộng. Theo chị Như, giá rươi có biến động rõ rệt từ đầu vụ đến cuối vụ: "Đầu vụ bao giờ giá rươi cũng cao, rơi vào khoảng 350.000 - 500.000 đồng/kg, vào giữa vụ rươi nhiều giá còn khoảng 250.000 - 400.000 kg tùy kích thước".
Không khoanh ô như những nơi khác, người dân nơi chị Như sống cùng nhau lội ruộng để vớt rươi, "thu hoạch" được ít hay nhiều sẽ phụ thuộc vào độ nhanh tay nhanh mắt và một chút "may mắn". Có những hôm rươi lên nhiều, cả nhà chị Như có thể vớt được hơn 20 kg.
Cầm trên tay chậu rươi vừa vớt được, bà Đinh Thị Hòa (thôn Yên Khánh, xã Yên Đức) phấn khởi: "Rươi ngon nhất phải là rươi vào tháng 10 này, sang đến cuối tháng 11 thì rươi thu hoạch dễ bị 'nát' hơn. Nhìn những con rươi này đi vừa to, vừa dài, người con nào cũng béo tròn, về làm chả rươi thì cứ phải mê tít".
Rươi sau được thu hoạch, người dân sẽ đem về nhà bỏ vào lưới và treo lên cho ráo nước. Sau đó được đóng thành từng hộp khoảng 500g và bán. Với khách ở xa, rươi sẽ được làm đông trước khi chuyển đi.
Rươi có hàm lượng dinh dưỡng cao, hợp khẩu vị nhiều người lại còn có thể dễ dàng chế biến thành những món ngon khác nhau như: chả rươi, rươi đúc trứng, rươi xào măng, mắm rươi... nên nhiều năm trở lại đây, rươi rất được săn đón. Nhiều "tín đồ" của rươi ở các nơi tranh thủ lúc rươi vào giữa vụ mua về bỏ tủ đông để dùng dần.