Người đàn bà Nam Bộ và 1.300 ngày đêm bên bờ Hồ Tây

TPCN - Bà Trần Thị Huôi sinh năm 1944, theo cách mạng năm 14 tuổi, 21 tuổi làm Bí thư Chi bộ xã Anh hùng Hồ Đắc Kiện (Mỹ Tú, Sóc Trăng), thời điểm ác liệt trong chiến tranh.
Năm 1996, bà Huôi với lá đơn xin đừng đập chuồng heo nhưng không được địa phương quan tâm. Ảnh: Tư Trí

Hòa bình lập lại, bà là thương binh, chồng đã hy sinh, mẹ ruột và mẹ chồng đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chỉ vì 16,32m2 đất công làm chuồng heo mà chính quyền địa phương đẩy bà vào hành trình tìm công lý như “mò kim đáy bể”. Song bà không một phút ngã lòng.

Khi cửa công quyền luôn sập trước mặt

Cách nay chục năm, tôi đến nhà bà, số 21 Nguyễn Văn Cừ (TX Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Bà đưa tôi ra phía sau xem cái chuồng heo rộng vỏn vẹn 16,32 m2.

Mảnh đất công bé xíu chủ cũ đã sử dụng, khi bà mua lại căn nhà thì tiếp tục sử dụng. 13 năm yên ổn, đột ngột năm 1996, ông hàng xóm là sĩ quan của chế độ cũ làm đơn đòi mảnh đất.

Chính quyền địa phương khẳng định đất công cộng nhưng lại ra quyết định… buộc bà Huôi đập chồng heo để giao cho ông ta. Bà Huôi xin nộp tiền để tiếp tục sử dụng mảnh đất nhưng không được, xin chậm dăm tháng cho heo lớn cũng không được, thị xã rầm rộ kéo người đến phạt hành chính bà rồi đập chuồng heo. Xong để trống miếng đất.

Bà tiếp tôi trong nỗi lo không trả được món nợ vay ngân hàng để nuôi 20 con heo, phải bán đổ bán tháo giữa chừng đã lỗ nặng.

Người bà gầy gò nhưng giọng nói khảng khái mạch lạc giúp tôi hình dung về một ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư chi bộ xã trẻ nhất huyện Mỹ Tú suốt thời chiến tranh và chịu nhiều cơ cực bởi là nữ.

Khi chồng hy sinh, một tay ôm con gái mới sinh mấy tháng, một tay bà cầm súng chỉ huy chiến đấu. Hòa bình, bà được điều lên TX Sóc Trăng, làm Thị ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân đến khi nghỉ hưu thì xảy ra sự việc.

Tôi viết trên Tiền phong số 75 ngày 23/6/1998 một đoạn “nhắn tin” mong chính quyền địa phương xem lại. Song không được đáp ứng. UBND thị xã rồi tỉnh Sóc Trăng liên tục ra quyết định bác đơn khiếu nại của bà.

Tháng 12/2000, Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ do Bộ trưởng Đặng Vũ Chư dẫn đầu vào làm việc với Sóc Trăng, nhận đơn của bà và kết luận: Giao mảnh đất cho ông hàng xóm của bà là đúng.

Tháng 8/2001, Tổ công tác 35 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem đơn của bà cũng đồng ý với kết luận của Đoàn công tác liên ngành. Ngày 2/9/2001, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4201 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đồng ý với Tổ công tác 35.

Bà lên Cần Thơ chào tôi để ra Hà Nội khiếu nại. Tôi ái ngại nỗi truân chuyên, còn bà bình tĩnh nói: “Tôi tin sự hy sinh của gia đình tôi trong chiến tranh không uổng phí”.

Ánh sáng sau hơn nghìn ngày sống ở công viên

Bà ra Hà Nội tháng 2/2001 và về lại Sóc Trăng tháng 10/2004. Suốt hơn 3 năm, hoặc hơn 1.300 ngày, bà “tạm trú” ở công viên Lý Tự Trọng và bờ Hồ Tây (Ba Đình, Hà Nội).

Bà chọn chỗ ấy bởi gần Trụ sở tiếp dân của Trung ương, Văn phòng Chính phủ và có đường lên Lăng Bác. Ban ngày, bà đến các cơ quan Trung ương, nhà riêng các vị lãnh đạo để gửi đơn, đứng trước Lăng Bác để củng cố niềm tin và ngồi ở công viên Lý Tự Trọng.

Tối đến, bà về bờ Hồ Tây, khu vực trường Chu Văn An, lấy đồ đạc cất giấu ra căng lều nằm ngủ. Sáng sớm, chừng 4 giờ, bà dậy cuộn đồ đạc cất giấu.

Bà kể: “Dù nắng nóng mùa hạ hay gió lạnh mùa đông, tôi đều sống ở đó. Tôi có mượn địa chỉ để con gái ở quê gửi tiền ra, mua gạo củi tự nấu ăn.

Cũng có lúc con gái hết tiền hay gửi ra không kịp thì tôi đi rửa chén cho nhà hàng, quầy bán cá để xin cơm, bún, đồ ăn thừa sống qua ngày. Có nhiều người đi khiếu kiện nên chúng tôi làm quen, giúp đỡ nhau, thay nhau người trông đồ đạc người đi làm thuê, xin được cơm thừa canh cặn mang về cùng ăn”.

Hơn 1.300 ngày đêm, người phụ nữ dành trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, người thương binh hạng 4/4, vợ liệt sỹ, có mẹ ruột và mẹ chồng đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ở tuổi 60 ra thủ đô đã sống như thế. Tết bà cũng không về quê.

Nhiều người dân Hà Nội quanh năm thấy bà lê la ở đó, Tết cũng ở đó thì xán lại hỏi han. Khi biết chuyện, có người ôm lấy bà khóc, có người chạy về nhà lấy bánh chưng, mứt kẹo đem ra biếu bà. Tôi hỏi bà: “Giao thừa những năm ấy, bà thường làm gì?”.

Bà Huôi cười rất tươi: “Xem bắn pháo hoa. Tôi rất thích xem bắn pháo hoa, từ nhỏ đến hai cái Tết ở Hà Nội mới được xem”.

Niềm vui lớn nhất cũng đến với bà sau dằng dặc tháng ngày xa quê khiếu nại với cả nghìn lá đơn gửi đi: Đơn của bà được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng) xem xét và ủy quyền Tổng Thanh tra Chính phủ giải quyết.

Ngày 19/9/2003, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Đình Đấu chủ trì cuộc họp với UBND tỉnh Sóc Trăng và đại diện nhiều ban ngành liên quan ở Trung ương, kết luận: Việc đòi đất của ông hàng xóm bà Huôi không có cơ sở, giải quyết của tỉnh Sóc Trăng với bà Huôi “là không thích hợp”.

Mảnh đất đã cưỡng chế dành sử dụng vào mục đích công cộng, UBND tỉnh Sóc Trăng phải giao cho bà Huôi mảnh đất khác và hỗ trợ bà ổn định cuộc sống.

Gần 1 năm sau, UBND tỉnh Sóc Trăng có quyết định cấp cho bà 287,5 m2 thổ cư bên Quốc lộ 1A ở TX Sóc Trăng và hỗ trợ bà 100 triệu đồng. Bà rời thủ đô.

Hành trình khiếu nại vẫn tiếp diễn

Về tới TX Sóc Trăng, bà tìm đến Chi bộ 3 thuộc Đảng bộ phường 1 để báo tin vui thì hay: Ngày 24/5/2002, Ban Thường vụ Thị ủy Sóc Trăng đã có Quyết định số 156 xóa tên bà trong danh sách đảng viên. Lý do là bà không sinh hoạt Đảng và không đóng đảng phí nhiều tháng.

Việc đóng đảng phí, khi rời Sóc Trăng tháng 2/2001, bà đã bảo con gái ở nhà hàng tháng thay bà đi đóng. Nhưng từ tháng 1/2002, chi bộ không còn nhận đảng phí do con gái bà đóng nên đến khi bị xóa tên, bà có 5 tháng liên tục không đóng đảng phí.

Việc bỏ sinh hoạt, bà không chối cãi song có lý do chính đáng: Bà đi đấu tranh cho chân lý và đã được công nhận. Bà làm đơn trình bày thì Thị ủy Sóc Trăng không xem xét bởi: “Nay bà không còn là đảng viên”.

Bà khiếu nại lên các cơ quan Đảng ở Trung ương. Ngày 24/1/2006, Ban Tổ chức Trung ương có công văn gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị kiểm tra, xác minh.

Từ đó đến nay, bà Huôi mong gặp lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng để trực tiếp trình bày nguyện vọng trở lại sinh hoạt Đảng nhưng dù đã đăng ký nhiều lần vẫn chưa được gặp.

Trong nỗi buồn day dứt, cuối tháng 5 đầu tháng 6/2006, bà trở về chiến trường xưa, gặp lại đồng đội cũ nghỉ hưu ở quê nhà. Nhiều người một thời là Tỉnh ủy viên, Huyện ủy viên, đội bom đạn với bà trong chiến tranh, chia sẻ gian khó những năm sau giải phóng, đang vui vầy cùng con cháu, khi nghe bà kể đoạn trường cuối đời, tất cả đã khóc.

Họ cùng làm kiến nghị gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, có đọan: “Có bao che những người ra quyết định trái pháp luật, có trù dập đồng chí Huôi không?

Trước sự bất công, chúng tôi những người cùng chung chi bộ, chi ủy với đồng chí Huôi trước đây xin kiến nghị đến lãnh đạo Tỉnh ủy xem xét một cách khách quan vụ việc đồng chí Huôi, giải quyết cho đồng chí Huôi tiếp tục sinh hoạt Đảng”.

Đảng viên hưu trí ở Sóc Trăng (nhiều người nguyên là Tỉnh ủy viên, Huyện ủy viên) đứng đơn tập thể và cá nhân gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị giải quyết cho bà Trần Thị Huôi được tiếp tục sinh hoạt Đảng:

Ở huyện Mỹ Tú có các ông Trần Văn Thưa, Trần Thôn, Nguyễn Văn Chín, Ông Tấn Sung và Lê Văn Phải (xã Hồ Đắc Kiện), Thạch Minh Sóc (xã Phú Tâm), Lê Văn Đạm (xã Thuận Hòa), Nguyễn Hoàng Kiết và Trần Cao (xã Long Hưng), Nguyễn Hữu Trí (xã Mỹ Tú), Nguyễn Minh Chiến và Nguyễn Văn Yên (xã Phú Tâm), Thạch Minh (xã An Hiệp).

Huyện Ngã Năm có ông Nguyễn Hoàng Kiết (xã Mỹ Qưới).